Trong phiên làm việc sáng 31/8, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp cho ý kiến về dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).
Báo cáo về một số vấn đề lớn trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trương Minh Hoàng cho biết, đa số ý kiến nhất trí xóa bỏ các điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương do việc đặt ra các điều kiện riêng như luật hiện hành sẽ hạn chế quyền tự do cư trú của công dân; tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp của một bộ phận công dân đang sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn nhưng không đủ điều kiện đăng ký thường trú. Trong khi đó, việc áp dụng các điều kiện riêng này trong thời gian qua cho thấy chưa thực sự hiệu quả vì chỉ hạn chế được số lượng người đăng ký thường trú chứ không hạn chế được việc người dân chuyển đến lao động, học tập, sinh sống thực tế tại các đô thị lớn.
Đối với quy định về điều kiện đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho biết, hiện vẫn còn ý kiến khác nhau. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, để bảo đảm điều kiện sống cần thiết cho người thuê, mượn, ở nhờ, phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn của từng địa phương, giúp giảm áp lực cho thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn thì cần giao Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố quy định điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu với trường hợp đăng ký thường trú này. Mức diện tích nhà ở tối thiểu được giới hạn không thấp hơn 8m2 sàn/người. Có ý kiến đề nghị lựa chọn tiêu chí về thời gian tạm trú nhất định tại địa bàn là điều kiện đăng ký thường trú, thể hiện sự gắn bó, sinh sống lâu dài, ổn định của công dân đối với nơi đăng ký, qua đó tạo sự thống nhất trong áp dụng pháp luật ở tất cả các tỉnh, thành phố, không có sự phân biệt vùng, miền, địa bàn.
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Pháp luật đồng tình với việc bỏ điều kiện đăng ký thường trú riêng tại các thành phố trực thuộc Trung ương. Việc quy định cụ thể về điều kiện đăng ký thường trú tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không trái với quy định về quyền tự do cư trú của công dân được hiến định, vì Điều 23, Hiến pháp 2013 quy định quyền này được thực hiện theo quy định pháp luật, song cần tiếp tục rà soát dự thảo Luật để vừa đáp ứng yêu cầu quản lý, vừa bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân…
Một số ý kiến cho rằng nếu quy định về điều kiện diện tích nhà ở tối thiểu đối với người đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ, sẽ tạo ra sự không bình đẳng. Nhiều ý kiến tán thành với việc quy định về diện tích nhà ở tối thiểu vì đây cũng là chỉ tiêu được xác định cần hoàn thành trong năm 2020 được nêu trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong nhóm ý kiến này, một số đại biểu đề nghị cần cân nhắc việc áp dụng tiêu chí diện tích nhà ở tối thiểu không dưới 8m2 sàn/người hay sử dụng một tiêu chí khác.
Giải trình về nội dung này, đại diện Vụ Pháp chế - Bộ Công an cho biết, quy định điều kiện diện tích nhà ở tối thiểu trong đăng ký thường trú nhằm bảo đảm điều kiện sống của con người, không làm hạn chế quyền tự do cư trú của họ. Quy định này cũng nhằm tránh xảy ra tình trạng chủ hộ lợi dụng cho quá nhiều người đăng ký để trục lợi, thực tế đã nhận được thông tin có căn hộ cho thuê đăng ký thường trú không đủ 1m2 sàn/người.
Kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội để hoàn thiện quy định về điều kiện cụ thể đăng ký thường trú tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nội dung này cũng sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách dự kiến vào tháng 9 tới đây.
Phiên toàn thể lần thứ 29 theo hình thức trực tuyến của Ủy ban Pháp luật diễn ra trong hai ngày từ 31/8-1/9. Ngoài nội dung liên quan đến Luật Cư trú (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật sẽ cho ý kiến về dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; thẩm tra Tờ trình và Đề án của Chính phủ về việc thành lập phường An Bình A, An Bình B thuộc thị xã Hồng Ngự và thành lập thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp; thẩm tra đề nghị của Chính phủ về mức phạt tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với một số lĩnh vực về nông nghiệp và phát triển nông thôn; thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.