Đây là vấn đề cốt lõi trong hội thảo “Công tác thể chế và kết quả phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bào DTTS”, do Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 24 và Chỉ thị 45 tổ chức sáng 8/8 tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, Trưởng ban Dân vận Trung ương.
Tham dự hội thảo còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Điểu K’Ré, Phó Ban Dân vận Trung ương; Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam...
“Nguy cơ” tụt hậu ngày càng xa
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho rằng: Hiện đồng bào các DTTS vùng DTTS đang đứng trước “nguy cơ” tụt hậu ngày càng xa hơn so với sự phát triển chung của đất nước. Một số vùng DTTS đặc trưng và một số DTTS đang đứng trước “nguy cơ” mất bản sắc văn hóa, dẫn đến sự không tồn tại trong đời sống thực tiễn…
Mặc dù tỷ lệ nghèo cả nước nói chung và của vùng DTTS nói riêng được giảm dần qua các năm, nhưng khoảng cách chênh lệch, cũng như mức sống giữa các dân tộc ngày càng lớn. Vùng DTTS đã, đang và tiếp tục là “lõi nghèo" của cả nước.
Tình trạng hộ nghèo và cận nghèo ở vùng DTTS và miền núi, nhất là tình trạng nghèo của người DTTS, vẫn là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay. Tính đến cuối năm 2018, hộ nghèo là người DTTS còn 720.731, chiếm 55,27% tổng số hộ nghèo cả nước (trong khi đó tỷ lệ dân số DTTS chiếm 14,6% dân số của cả nước), thậm chí vẫn còn nhiều nhóm DTTS có tỷ lệ hộ nghèo trên 40%. Chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Kết cấu hạ tầng vùng DTTS từng bước hoàn thiện, gắn liền với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội từng vùng. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, thực trạng hạ tầng kinh tế vùng DTTS vẫn rất cần tiếp tục đầu tư, còn 1,6% xã chưa có đường ô tô đến trung tâm, có nhiều tuyến đường đã xuống cấp nghiêm trọng.
Hiện nay còn 24,5 nghìn hộ (chủ yếu là hộ DTTS) di cư đến Tây Nguyên đã nhiều năm nhưng chưa được bố trí định canh, định cư. Còn gần 82,9 nghìn hộ thiếu đất sản xuất nhưng do quỹ đất thiếu hoặc không còn nên nhiều địa phương đến nay không thể bố trí đủ đất sản xuất cho đồng bào.
Đồng bào các DTTS tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản đang ở mức rất thấp so với bình quân chung cả nước, vẫn còn 21% người DTTS trên 15 tuổi chưa đọc thông viết thạo tiếng Việt; tỷ lệ sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của người DTTS chỉ đạt 44,8%. Tỷ lệ người không còn mặc trang phục dân tộc, không biết nói tiếng dân tộc của mình ngày càng tăng; dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống của nhiều DTTS chỉ được phục dựng khi lễ hội, ít được diễn ra trong đời sống hàng ngày. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS trong cơ quan nhà nước các cấp có xu hướng giảm; đa số các bộ, ngành và địa phương chưa đạt được tỷ lệ theo quy định tại Quyết định 402/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng chính sách hạn chế việc cho không
Nêu ra những giải pháp để vùng đồng bào
Để giảm nghèo bền vững, giúp bà con vươn lên, phát triển; theo các ý kiến tại Hội thảo thì Nhà nước cần xây dựng những chính sách cụ thể cho vùng DTTS và miền núi, tránh chồng chéo, lãng phí.
Đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho rằng: Thế mạnh của các tỉnh miền núi là lĩnh vực lâm nghiệp. Trong việc xây dựng chính sách, phải làm sao để bà con dân tộc sống được từ rừng. “Xây dựng chính sách cần hạn chế việc cho không, mà nên ưu tiên việc cho vay, hỗ trợ. Nếu không thì hộ nào cũng muốn là hộ nghèo để được hưởng chính sách”, ông Lò Văn Tiến nói.
Cùng quan điểm này, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng: Vùng đồng bào DTTS và miền núi cần tiếp tục được ưu tiên các nguồn lực để đầu tư hạ tầng. “Ở vùng miền núi, vùng DTTS nên hạn chế việc cho không để tránh việc người dân tự ti, ỷ lại”, đồng chí Đặng Huy Hậu khẳng định.
Theo đồng chí Đặng Huy Hậu, ở Quảng Ninh hiện nay, hạ tầng giao thông đến các thôn bản miền núi, nơi có đông đồng bào DTTS, được triển khai đồng bộ. Điện đường, trường, trạm, thủy lợi được đầu tư. Quảng Ninh thực hiện mỗi địa phương một sản phẩm, bà con ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm của mình rất hiệu quả. Từ đó hình thành các cơ sở, hợp tác xã đưa nông sản của địa phương ra thị trường toàn quốc; đồng thời thay đổi tập quán của người nông dân vùng DTTS và miền núi để nâng cao chất lượng cuộc sống. Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu trong năm 2019, sẽ đưa 22 xã vùng đặc biệt khó khăn ra khỏi chương trình 135; tiếp tục xử lý tốt công tác vệ sinh môi trường, ăn ở hợp vệ sinh, nâng cao đời sống người dân.
Nhiều ý kiến của các đại biểu nguyên là lãnh đạo làm công tác dân tộc cho rằng, Trung ương cần hỗ trợ chính sách về đất đai cho người dân tộc. Ở những vùng đồng bào sống ven rừng, cần có chính sách giao đất, giao rừng để người dân sống được từ rừng. Bố trí kinh phí cho địa phương hoàn thành các dự án để bà con được hưởng lợi từ chính sách; việc xây dựng logistics góp phần giúp địa phương tiêu thụ nông lâm sản cần được đầu tư. Giúp đỡ các dân tộc phấn đấu vươn lên bằng nội lực, không ngừng củng cố niềm tin, giúp đỡ nhau, tăng cường củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Giúp người dân phấn đấu vươn lên, bình đẳng trong các dân tộc, cộng đồng nhóm xã hội.
Đồng chí Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk cho biết: Từ sau giải phóng đến nay, tình hình dân di cư tự phát và sắp xếp dân cư ở Đắk Lắk gây rất nhiều khó khăn cho địa phương. Đặc biệt là việc thiếu đất sản xuất với ngay đồng bào dân tộc tại chỗ và người dân nơi khác đến. Suy giảm đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, hạn hán ngay trong mùa mưa, và ngập úng cục bộ kéo dài…
Tỉnh Đắk Lắk đã ổn định đời sống đồng bào các DTTS bằng những chính sách cụ thể như thành lập ban chỉ đạo dân di cư tự phát. Qua rà soát, năm 2017, tỉnh đã phối hợp triển khai 17 dự án có liên quan đến việc ổn định dân di cư tự phát, với trên 7.000 hộ, trên 30.000 khẩu dân di cư tự phát sống trong những vùng khó khăn.
Thực tế cho thấy, thời gian qua Nhà nước đã có quá nhiều chính sách cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhưng nên chọn những chính sách cụ thể. Cần đầu tư quy hoạch, hướng dẫn kỹ thuật cho đồng bào DTTS. Ở vùng đồng bào dân tộc phía Bắc cần gom các hộ dân lại, tránh đề người dân sống giàn trải, mỗi bản nên có từ 50 hộ trở lên. Xây dựng các trung tâm xã và trung tâm cụm xã làm đầu kéo để đưa đời sống người dân lên, gắn với việc xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người dân sở tại. Cương quyết đưa các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, thiên tai.
Về vấn đề di cư tự phát, nếu không giải quyết được thì cuộc chiến chống đói nghèo vẫn còn dai dẳng. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, giảm nghèo, để giúp đồng bào các DTTS cần có vai trò “bà đỡ” là nhà nước và doanh nghiệp, cần có chính sách cụ thể. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất ở vùng nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc; khuyến khích thành lập các hợp tác xã, mô hình kinh tế trang trại trong vùng DTTS để giải quyết vấn đề việc làm. Điều cốt lõi nhất cần giải quyết cho đồng bào DTTS là nâng cao chất lượng lao động và bổ sung đất sản xuất…
Kết luận cuộc hội thảo, đồng chí Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, khẳng định: Công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các cấp, các ngành và hệ thống chính trị; mang tính chiến lược cơ bản, thực hiện thường xuyên, lâu dài vì sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Kiên trì, nhất quán thực hiện nguyên tắc các dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, cùng nhau cùng phát triển; giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, đảm bảo các DTTS ổn định, phát triển và hội nhập.
“Cần tập trung phát triển toàn diện vùng DTTS và miền núi trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng. Ưu tiên nguồn lực thực hiện các chính sách dân tộc nhằm tạo sự đột phá về phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo. Phát huy cao độ nội lực, tiềm năng, thế mạnh của vùng đi đôi với gia tăng sự đầu tư và hỗ trợ của Trung ương, huy động mọi nguồn lực xã hội hóa và các nguồn tài trợ quốc tế để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, hiệu quả; trong đó ngân sách Nhà nước giữ vai trò quyết định, phát huy ý chí tự lực, tự cường của các cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân là quan trọng”, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh.
Trưởng Ban Dân vận Trung ương khẳng định, tiếp tục thực hiện chủ trương, chính sách bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển. Tạo đột phá trong phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi dựa trên tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm nghèo nhanh, bền vững, cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân. Tập trung thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa các dân tộc, vùng miền; giảm dần, tiến tới không còn địa bàn và đối tượng đặc biệt khó khăn. Gia tăng đầu tư nguồn lực của nhà nước và nguồn lực xã hội khác để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là đường giao thông liên vùng, kết nối với các vùng phát triển.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội; nâng cao mức tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản cho đồng bào; từng bước hạn chế, xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Chú trọng phát triển nguồn lực, đặc biệt là người DTTS.
Tập trung xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, củng cố tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Giữ gìn an ninh chính trị, trật tư an toàn xã hội, chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải miền Trung.