Hội thảo nhằm góp phần làm sáng tỏ, sâu sắc, toàn diện cơ sở lý luận và thực tiễn về hoàn thiện thể chế mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội ở Việt Nam, chỉ ra kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về hoàn thiện thể chế xử lý mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, rút ra những giá trị tham khảo cho Việt Nam. Từ đó đề xuất, kiến nghị những quan điểm, giải pháp hoàn thiện thể chế mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội ở Việt Nam thời gian tới.
Phát biểu khai mạc, đề dẫn Hội thảo, Giáo sư-Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ, mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội là mối quan hệ của ba thành tố quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. Thực tiễn cho thấy, trong quá trình phát triển, các quốc gia đều phải phân định hợp lý vai trò, chức năng của 3 thành tố nhà nước, thị trường, xã hội và mối quan hệ giữa 3 thành tố đó nhằm hỗ trợ lẫn nhau, phát huy thế mạnh của từng thành tố, tạo nên sức mạnh tổng thể trong khai thác các nguồn lực, góp phần vào phát triển bền vững quốc gia.
Trong gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nông nghiệp, lạc hậu, nghèo nàn, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, với GDP chỉ 26,3 tỷ USD trong những năm đầu đổi mới, Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình, nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và nhóm 20 nước có quy mô thương mại hàng đầu thế giới, tham gia 16 hiệp định thương mại tự do. An sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, nâng tầm, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Đây là kết quả của việc đổi mới tư duy về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về vai trò, chức năng của Nhà nước, xã hội cũng như thực tiễn điều hành, giải quyết ngày càng tốt hơn mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường, xã hội. Đặc biệt, vai trò của Nhà nước được điều chỉnh phù hợp hơn với cơ chế thị trường, ngày càng phát huy dân chủ trong đời sống kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, theo Giáo sư-Tiến sĩ Lê Văn Lợi, cho đến nay còn không ít những vấn đề đặt ra xung quanh nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Sự phối hợp, tương tác giữa Nhà nước, thị trường và xã hội còn có một số bất cập, đặc biệt giữa Nhà nước và thị trường. Nhà nước còn làm thay nhiều việc của thị trường, trong khi chưa thực hiện tốt chức năng của mình, đặc biệt chức năng tạo lập và thực thi hiệu quả khung pháp luật. Bộ máy Nhà nước chưa theo kịp với đổi mới trên hoạt động thực tiễn của đời sống kinh tế xã hội...
“Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là thể chế về mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội chưa đầy đủ, đồng bộ, còn chồng chéo, mâu thuẫn hoặc còn có những quy định không khả thi, làm cho Nhà nước, thị trường, xã hội vận hành kém hiệu quả…”, Giáo sư-Tiến sĩ Lê Văn Lợi nhấn mạnh.
Đại hội XIII của Đảng đã yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm “xác định rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền” và kiểm soát quyền lực “bằng pháp luật”, “thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền”, xây dựng khung pháp luật, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số...
Hơn 40 tham luận và ý kiến phát biểu tại hội thảo của các chuyên gia các bộ, ngành, địa phương, của nhà khoa học, chuyên gia của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường đại học, học viện đã tập trung làm rõ những vấn đề chủ yếu trong hoàn thiện thể chế về mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội.
Các bài tham luận, ý kiến phát biểu đã nêu bật thực trạng thể chế về mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội ở Việt Nam; làm rõ định hướng hoàn thiện thể chế về mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong văn kiện, nghị quyết của Đảng; đề xuất nhiều giải pháp để tiếp tục cụ thể hóa các định hướng đó, hoàn thiện thể chế góp phần xử lý tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.