“Loạn các cuộc thi”
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: Nghệ thuật là nhân sinh, phản ánh thời cuộc, nhưng thời gian vừa qua không thiếu các cuộc thi, buổi biểu diễn văn hóa, văn nghệ lệch lạc, méo mó trong đời sống. Nhiều cuộc thi, buổi biểu diễn làm cho những người thụ hưởng văn hóa có nhận thức đau lòng. Có những cuộc thi, biểu diễn nghệ thuật chạy theo thị hiếu tầm thường.
“Chúng ta cần phải nhìn nhận thấu đáo và có quản lý để phát triển văn hóa nghệ thuật đảm bảo đúng định hướng”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.
Phát biểu tại Phiên họp, nhiều ý kiến đồng tình với việc cần tăng cường quản lý trong công tác cấp phép, tổ chức các hội thi, hội diễn trong nghệ thuật biểu diễn; chống vi phạm thuần phong mỹ tục, vi phạm về văn hóa dân tộc.
“Có những chương trình biểu diễn gọi phụ nữ là “chân dài”. Vậy, dùng từ ngữ đó trong chương trình nghệ thuật có được coi là xúc phạm phụ nữ?”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi.
Cũng có ý kiến cho rằng, vấn đề thi người đẹp vừa qua quá lạm dụng. “Nếu bây giờ phân cấp cho địa phương quản lý các cuộc thi này thì liệu có quản lý được không? Quan điểm của tôi là cần có kiểm soát chặt chẽ, không nên phân cấp cho các địa phương”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm.
Đồng tình với ý kiến trên, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Thời gian qua “loạn” các cuộc thi người đẹp, nhan nhản những cuộc thi hoa hậu thôn, hoa hậu phường.
“Qua theo dõi các cuộc thi trên truyền hình, tôi thấy các cháu nhỏ hát những ca khúc, bài hát của người lớn. Phải chăng cuộc thi đã làm các cháu “già” đi? Hãy để tuổi thơ của các cháu hồn nhiên, phát triển toàn diện, cho nên cần có quy định chặt chẽ trong việc tổ chức các cuộc thi, biểu diễn nghệ thuật”, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu ý kiến.
Cần quản lý chặt chẽ trong nghệ thuật, biểu diễn
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, sau 7 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP đã phát sinh nhưng vướng mắc, hạn chế trong quá trình thực thi.
Đó là, việc phân định thẩm quyền giữa các cơ quan quản lý nhà nước và biện pháp quản lý cụ thể đối với từng hoạt động nghệ thuật biểu diễn chưa hiệu quả dẫn đến nhiều trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng nhưng không bị ngăn chặn, xử lý.
Quy định cấp giấy phép trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn chưa thống nhất với hệ thống quy định pháp luật trong lĩnh vực khác (như xuất, nhập cảnh; lao động; thương mại; thi đua, khen thưởng...) đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng sự chồng chéo giữa các quy định để trục lợi. Hoạt động tổ chức cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn chưa phù hợp với thực tiễn, trong khi nhu cầu của các tổ chức, cá nhân đối với hoạt động này có xu hướng tăng lên. Hoạt động kinh doanh dịch vụ tổ chức thi người đẹp, người mẫu và hoạt động dự thi người đẹp, người mẫu ở nước ngoài chưa phù hợp với thực tiễn dẫn đến những vướng mắc, bất cập trong hoạt động này.
Nhiều tác phẩm âm nhạc, sân khấu còn nhiều bất cập dẫn đến các tác động tiêu cực từ dư luận trong hoạt động công vụ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng: Để hệ thống pháp luật về hoạt động nghệ thuật biểu diễn phù hợp với thực tiễn, tạo khung pháp lý phù hợp với nhiệm vụ quản lý nhà nước trong thời gian tới, việc xây dựng Nghị định là cần thiết và hợp lý hơn việc xây dựng luật, pháp lệnh. Quan hệ thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cần được tiếp tục nghiên cứu, áp dụng quy định quản lý nhà nước của Chính phủ trong giai đoạn chuyển tiếp để thích nghi với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, tạo sự ổn định trong dài hạn để xác định áp dụng những quy định mang tính nguyên tắc của một đạo luật.
Căn cứ Hiến pháp năm 2013, hoạt động nghệ thuật biểu diễn được xác định là vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, có tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền hưởng thụ, tiếp cận văn hóa của nhân dân đã được ghi nhận tại Điều 41 và Điều 60 quy định “Nhà nước, xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Nhà nước, xã hội phát triển văn học, nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân...”.
Vì vậy, quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn được xác định là vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhưng hiện nay chưa tạo được sự ổn định trong dài hạn để xác định áp dụng những quy định mang tính nguyên tắc dẫn đến việc chưa đủ điều kiện để xây dựng luật hoặc pháp lệnh.
Do vậy, việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn là cần thiết, phù hợp với thực tiễn phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế. Nhằm bảo đảm sự thống nhất trong công tác quản lý nhà nước; tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình áp dụng, thực thi pháp luật, dự thảo Nghị định được xây dựng trên cơ sở kế thừa những quy định còn phù hợp tại Nghị định số 79/2012/NĐ-CP, Nghị định số 15/2016/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những quy định không còn phù hợp với thực tiễn quản lý.
Trong thời gian chưa xây dựng được Luật Nghệ thuật biểu diễn, thì Nghị định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn sẽ là căn cứ pháp lý cao nhất để cơ quan quản lý nhà nước cũng như tổ chức, cá nhân thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm cụ thể trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Hoàng Thanh Tùng cho rằng, sau thời gian thực hiện Chính phủ chưa có tổng kết mà lại tiếp tục sửa đổi, vậy cần phải làm rõ vấn đề này. Cần khống chế các cuộc thi nghệ thuật biểu diễn, tổ chức cuộc thi người đẹp, tránh hiện tượng “xin - cho” trong việc cấp phép biểu diễn nghệ thuật. Cần phân biệt rành rọt trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan đến việc biểu diễn nghệ thuật.
“Cần rà soát lại quy định thẩm quyền của các bộ, ngành, loại trừ nhưng quy định đã được Luật chuyên ngành đã quy định rồi, không cần nhắc lại”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu ý kiến.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đây không phải là Nghị định mới, mà là Nghị định cũ (sửa đổi) được Chính phủ xin ý kiến Thường vụ Quốc hội là cách làm thận trọng trong quản lý nghệ thuật biểu diễn, việc này là cần thiết. Vì vậy, có thể phân cấp theo thẩm quyền, nhưng phải bảo đảm đúng nguyên tắc định hướng. Nghị định nên rà soát thêm, có liên quan đến nhiều luật, nên Nghị định cần xem kỹ để tránh trùng lắp với hệ thống Luật đã quy định về quyền công dân.