Đây là bình luận của Giáo sư Shankari Sundararaman, Giám đốc Trung tâm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Trường Nghiên cứu Quốc tế, Đại học JNU, New Delhi.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên TTXVN tại Ấn Độ ngày 9/6, bà Sundararaman khẳng định, xét về khía cạnh kinh tế, Việt Nam là một quốc gia quan trọng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới đang chuyển hướng về phía Đông, giữa lúc Mỹ và Trung Quốc đang lâm vào cuộc chiến tranh thương mại.
Việt Nam ngày nay là một trong những nền kinh tế nổi bật ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương với tốc độ tăng trưởng hằng năm đạt 6,8% và được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh từ nay đến năm 2030. Đến năm 2020, Việt Nam sẽ đảm trách cương vị Chủ tịch ASEAN. Khi đó, với vai trò ở cả khu vực và toàn cầu, tiếng nói của Việt Nam sẽ càng có sức nặng.
Bình luận về vai trò của Việt Nam với tư cách ủy viên HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021, bà Sundararaman cho rằng Việt Nam có thể vận dụng kinh nghiệm của mình để góp phần giải quyết cuộc xung đột trên Bán đảo Triều Tiên, khu vực bị chia cắt với nhiều gia đình bị ly tán.
Trong quan hệ lịch sử với Mỹ, Việt Nam đã có thể gác lại quá khứ và hướng tới tương lai. Hiện hai nước đang là Đối tác Toàn diện và mối quan hệ song phương không ngừng phát triển. Đây là một bài học có thể được vận dụng cho mối quan hệ Mỹ - Triều Tiên hiện nay. Trên thực tế, hồi tháng 2 vừa qua, Việt Nam đã đóng vai trò là nước đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai, thể hiện được vai trò và uy tín của mình bằng việc tổ chức thành công sự kiện.
Ngoài ra, là một ủy viên của HĐBA, Việt Nam cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong vấn đề duy trì an ninh hàng hải, khi nước này đang kiên trì thúc đẩy các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển và bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc.
Cũng theo bà Sundararaman, một trong những vấn đề thách thức nhất mà Việt Nam và các thành viên khác của HĐBA phải đối mặt trong những năm tới là việc cải tổ cơ quan quyền lực nhất của LHQ này. Bà Sundararaman cho rằng LHQ cần phải điều chỉnh cho phù hợp với các thực tiễn của thế giới ngày nay, thông qua việc mở rộng số ghế của cả ủy viên thường trực lẫn ủy viên không thường trực để mang tính đại diện cao hơn.