Trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Anh nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Kyril Whittaker chỉ ra rằng từ khi còn rất trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức được sự bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam và khi đi khắp thế giới để tìm kiếm con đường giành độc lập cho dân tộc, Người đã biết đến cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới.
Từ những ngày đầu chứng kiến người dân châu Phi bị bóc lột ở thuộc địa Dahomey của Pháp và nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ, cho tới khi học tại Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông (University of Toilers of the East), Người đã trở thành một chiến sĩ cách mạng với nhận thức sâu sắc về cuộc đấu tranh không chỉ của nhân dân Việt Nam mà cả thế giới. Trong tác phẩm “Con đường dẫn tôi đến với chủ nghĩa Lenin”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng qua học tập và trải nghiệm thực tế, Người từng bước nhận ra rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức ở Việt Nam và trên thế giới. Vì mục đích này Người đã cống hiến cả cuộc đời cho Đảng và nhân dân Việt Nam, cũng như cho cuộc đấu tranh quốc tế vì hòa bình và chủ nghĩa xã hội.
Theo ông Whittaker, ở Chủ tịch Hồ Chí Minh hội tụ những phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản, luôn đấu tranh vì nhân dân, không vì bản thân, sẵn sàng đối mặt và vượt qua những khó khăn, thách thức. Ông chỉ ra rằng, trong cuộc đấu tranh cách mạng của Việt Nam, dù chịu tù đày, bệnh tật, thiếu thốn về vật chất, song Người vẫn tiếp tục chiến đấu và luôn đấu tranh vì người khác. Khi ở trong tù, Người dạy về chủ nghĩa xã hội, viết thư giúp những người mù chữ và vực dậy tinh thần của những người khác. Ông Whittaker dẫn bài thơ "Nghe tiếng giã gạo" được viết khi Người ở trong tù như minh chứng cho tinh thần dũng cảm, bất khuất của người cộng sản Hồ Chí Minh. Cho đến những ngày cuối đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn hướng về dân tộc Việt Nam, trăn trở về sự nghiệp thống nhất đất nước, độc lập, tự do, hòa bình và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và trên thế giới.
Đánh giá về giá trị của Tư tưởng Hồ Chí Minh và việc vận dụng Tư tưởng của Người ở Việt Nam hiện nay, ông Whittaker cho rằng đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam gói gọn trong Tư tưởng Hồ Chí Minh. Việt Nam ngày nay tiếp tục vận dụng tư tưởng của Người trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, như chính Hồ Chủ tịch đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin phù hợp với điều kiện lịch sử, vật chất của Việt Nam để tìm ra con đường giải phóng đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Theo ông Whittaker, Tư tưởng Hồ Chí Minh - thể hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ quân sự, giáo dục, xây dựng Đảng, cho tới môi trường, quản trị và đời sống thường ngày- đã truyền tinh thần yêu nước, chủ nghĩa quốc tế vô sản và đặt nền móng cho Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam ngày nay. Tư tưởng Hồ Chí Minh khuyến khích đoàn kết dân tộc, xây dựng một Đảng của dân, vì dân, do dân; đấu tranh chống tham ô, lãng phí, thực hành tiết kiệm; và khuyến khích việc học tập không ngừng.
Nhà nghiên cứu Anh nhấn mạnh tất cả những điều này đang được Nhà nước và Chính phủ Việt Nam tuân thủ chặt chẽ, đặc biệt là nguyên tắc dân chủ - “Dân chủ tức là dân là chủ”. Chính phủ Việt Nam thường xuyên tham khảo ý kiến của người dân về mọi vấn đề, khuyến khích người dân đóng góp ý kiến cho các đề xuất của chính phủ, nhằm đảm bảo mọi người dân đều có tiếng nói bình đẳng trong việc sửa đổi pháp luật. Qua sự tham gia tích cực của các tổ chức như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và Tổng Liên đoàn Lao động, quyền lợi của người dân Việt Nam được bảo vệ và các quy định mới được thông qua nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các nhóm này do các tổ chức của họ tham gia tích cực vào việc hoạch định chính sách của chính phủ.
Việc vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng được phản ánh qua công cuộc chống chống tham nhũng, lãng phí và rèn luyện đạo đức cách mạng theo Tư tưởng Hồ Chí Minh; và qua hệ thống bầu cử bình đẳng, công bằng của Việt Nam.
Về khuyến khích học tập theo Tư tưởng Hồ Chí Minh, Người khẳng định học tập là một quá trình suốt đời và đã thực hành điều này khi không ngừng học tập cho đến những ngày cuối đời. Khi gặp gỡ người dân, Người luôn lắng nghe suy nghĩ, ý kiến của họ về những gì chính phủ có thể làm tốt hơn. Ông Whittaker cho rằng tinh thần này được Nhà nước Việt Nam phát huy cho tới ngày nay, khuyến khích việc học tập bằng nhiều hình thức, từ hệ thống giáo dục phổ thông tới thông qua các tổ chức khác nhau có liên kết với nhà nước; cũng như khuyến khích Quân đội học tập và nghiên cứu chính trị để hiểu rõ nhiệm vụ của mình đối với nhân dân, đất nước. Việt Nam cũng chú trọng mở các phố sách trên khắp cả nước, nâng cấp thư viện, xuất bản nhiều sách đa ngôn ngữ với nhiều chủ đề khác nhau, tổ chức các hội chợ sách, triển lãm công cộng nhằm thúc đẩy học tập không chỉ cho người dân Việt Nam mà cho tất cả mọi người.
Về việc vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản, ông Whittaker nhận định trường phái “Ngoại giao cây tre” của Việt Nam với “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng này. Chính sách đối ngoại của Việt Nam dựa trên những giá trị và lập trường không thay đổi và gắn liền với nhà nước Việt Nam, đó là độc lập, tự do, hòa bình và chủ nghĩa xã hội và chính sách đối ngoại quốc phòng “4 không”. “Gốc vững” này đi cùng với “cành uyển chuyển”, là sự linh hoạt và cởi mở của Việt Nam trong việc tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác quốc tế và tình hữu nghị trên toàn thế giới, thúc đẩy hợp tác kinh tế và trao đổi kiến thức khoa học.
Ông Whittaker kết luận Việt Nam đang vững vàng trên con đường xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa và con người xã hội chủ nghĩa như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”.