Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Sydney, Giáo sư Thayer nêu rõ theo Báo cáo Phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (LHQ) năm 2021, Việt Nam đang trên đường đạt “mục tiêu SDG 1” là xóa nghèo. Tuy còn đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc đáp ứng “mục tiêu SDG 2” là xóa đói, cho đến nay, Việt Nam đã có những cải thiện nhất định.
Việt Nam đạt chỉ số SDG xếp hạng 51 trên 165 quốc gia, với điểm số chung là 72,8%. Đáng chú ý là “Điểm số lan tỏa” đánh giá 3 khía cạnh trong chính sách của một quốc gia: tác động môi trường và xã hội thể hiện trong thương mại, kinh tế và tài chính và an ninh. Điểm số này càng cao có nghĩa là một quốc gia tạo ra càng nhiều tác động lan tỏa tích cực hơn và ít tác động tiêu cực hơn. Việt Nam đạt “Điểm số lan tỏa” là 96,4%.
Nhìn chung, Việt Nam, với tư cách là một quốc gia đang phát triển, có kinh nghiệm đáng kể trong việc đáp ứng các SDG của LHQ và có thể đưa ra lời khuyên chính sách thiết thực về các vấn đề ảnh hưởng đến quyền con người toàn diện trên toàn cầu và khu vực.
Giáo sư Thayer nêu rõ Việt Nam đã có 2 đóng góp lớn trong cuộc chiến chống COVID-19. Thứ nhất, Việt Nam đã rất nỗ lực đối phó với đại dịch COVID-19 cũng như bảo vệ sức khỏe cộng đồng và chăm sóc sức khỏe cho người dân trong thời kỳ đại dịch, đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội. Việt Nam theo đuổi chính sách ngoại giao COVID-19 để có được các loại vaccine cần thiết để tiêm chủng cho người dân. Việt Nam tiến hành phong tỏa trong các tình huống cần thiết. Kết quả cuối cùng là Việt Nam đã có thể từ bỏ chính sách “Không COVID” và kiểm soát thành công biến thể Omicron.
Thứ hai, trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đi tiên phong trong việc tổ chức các hội nghị trực tuyến giữa các bộ trưởng liên quan của các quốc gia thành viên ASEAN. Việt Nam thể hiện vai trò lãnh đạo chủ động trong việc tạo dựng sự đồng thuận trong khu vực về cách ứng phó với đại dịch. Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu trước Đại Hội đồng LHQ thay mặt cho tất cả các nước đang phát triển thúc giục bảo đảm công bằng vaccine và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ để ngăn chặn đại dịch COVID-19. Nhờ hai đóng góp lớn này, Việt Nam đã được chọn là nơi thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khu vực.
Về những tiến bộ trong phát triển kinh tế-xã hội, theo Giáo sư Thayer, điều đáng chú ý là chiến lược kinh tế của Việt Nam gắn liền với chiến lược tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo toàn diện được đưa ra vào năm 2002. Việt Nam đã giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo từ 58% năm 1992 xuống còn 15,5% năm 2008 và 7,6% năm 2013. Theo tiêu chí mới, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam vào năm 2020 là 2,75%. Điều này đã giúp đời sống của người dân các tỉnh vùng cao, kể cả đồng bào dân tộc thiểu số, được cải thiện đáng kể.
Trong quý 1/2022, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đạt 5,03%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt kỷ lục mới là gần 16,8 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 371 tỷ USD, tăng khoảng 9,5% so với năm 2021… Những con số này phản ánh niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp thế giới vào Việt Nam. Khả năng kiểm soát COVID-19 và ổn định chính trị đã tạo điều kiện cho Việt Nam nhanh chóng bắt tay vào quá trình phục hồi kinh tế.
Theo Giáo sư Thayer, ghi nhận những đóng góp tích cực của phái đoàn Việt Nam trong 20 năm qua, năm 2021, Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu đã trao tặng Việt Nam Giải thưởng Lãnh đạo Quốc gia nhằm tôn vinh những nỗ lực và thành tích của Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ. Giải thưởng này là sự công nhận cam kết của Việt Nam đối với bình đẳng giới.