Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch APPF 26 phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch APPF -26 thông báo nội dung về quyết định cuộc họp của Ban Chấp hành đã được các đại biểu thống nhất.
Phát biểu đề dẫn tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Tình hình khu vực và quốc tế tiếp tục diễn biến nhanh và phức tạp hơn. Các nỗ lực hợp tác quốc tế tiếp tục được tăng cường. Việc sử dụng và nguy cơ sử dụng các loại vũ khí hủy diệt đang có xu hướng gia tăng. Các tranh chấp lãnh thổ, biển, đảo, tài nguyên, nguy cơ đối với tự do, an ninh và an toàn hàng hải vẫn tiếp diễn. Chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia gia tăng hoạt động ở khu vực.
Bên cạnh đó là những thách thức về an ninh mạng, bất bình đẳng, di cư, dịch bệnh, những thiên tai khốc liệt chưa từng có… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định và phát triển của nhiều quốc gia thành viên. Các thách thức lớn do các thành viên nêu ra tại Hội nghị năm 2017 vẫn chưa có giải pháp bàn bạc thống nhất, triệt để.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, cần phải có những giải pháp ở cấp độ quốc gia, khu vực, quốc tế và có sự phối hợp đa tầng nấc, trong đó có sự tham gia tích cực của những nghị sỹ Quốc hội - người hoạch định chính sách, các nhà lập pháp của các quốc gia. Đây là lúc để APPF tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò và tham gia đóng góp duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực.
Trong một thế giới toàn cầu hóa, số hóa, phụ thuộc lẫn nhau gia tăng, APPF cần đóng vai trò theo chức năng của mình nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế. Các nghị sỹ cần hối thúc các Chính phủ thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn nhằm ứng phó không chỉ với các thách thức truyền thống mà cả phi truyền thống, nhất là không phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt, chống chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực và năng lượng, thúc đẩy an ninh, an toàn hàng hải và an ninh mạng.
Châu Á – Thái Bình Dương cần tiếp tục đóng vai trò đi đầu trong việc duy trì hoà bình, ổn định khu vực và thế giới, thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, tuân thủ luật pháp quốc tế và các chuẩn mực chung. Ngoại giao nghị viện và đặc biệt là những hoạt động của APPF đóng vai trò không thể thiếu trong việc hợp tác, thúc đẩy xây dựng khuôn khổ pháp lý, quyết định và giám sát thực hiện các cam kết quốc tế của chính phủ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi một số nội dung: Các văn bản pháp lý hiện hành đã đủ hoàn thiện chưa, đã tạo thuận lợi cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững hay chưa? Hiệu quả của sự hỗ trợ của Nghị viện các quốc gia phát triển hơn trong khu vực với Nghị viện các quốc gia kém phát triển hơn.
Vai trò giám sát của Nghị viện đối với việc triển khai các nỗ lực chung chống các loại hình tội phạm xuyên quốc gia, các vấn đề an ninh mới nổi. Các quan điểm ngoại giao nghị viện gắn với phòng ngừa để góp phần củng cố lòng tin, ngăn ngừa xung đột, đảm bảo hoà bình, an ninh trong khu vực.
Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Phát biểu tại Phiên họp, ngài Saber Chowdhury, nguyên Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) cho rằng, châu Á-Thái Bình Dương đã trở thành khu vực đi đầu trong tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu. Đây là thành quả của những nỗ lực hợp tác đa phương, trong đó Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF) là một cơ chế có nhiều đóng góp quan trọng. Người dân ở mỗi nước đều kỳ vọng ở các nghị sỹ quốc hội, những người đại diện chân chính cho nhân dân có những đóng góp thiết thực vào việc bảo đảm một môi trường hòa bình và ổn định, thuận lợi cho việc tập trung các nỗ lực để phát triển kinh tế-xã hội, sự bình an của đất nước, góp phần thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Tại Phiên họp, các đại biểu thảo luận về các chủ đề: Thúc đẩy ngoại giao nghị viện vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới; đấu tranh phòng chống khủng bố quốc tế và tội phạm xuyên quốc gia.
Các tham luận tại phiên họp làm sâu sắc hơn các chủ đề nghị sự, trong đó có những vấn đề quan trọng, nổi bật liên quan đến hòa bình, an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương cần sự hợp tác của ngoại giao nghị viện, trong đó có những vấn đề như hợp tác an ninh hàng hải, an ninh mạng; chống chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia…