Dự Hội nghị có Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Ngô Đức Mạnh, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, đại diện một số ban Đảng cùng gần 20 Tham tán Công sứ, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Âu và lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng của Bộ Công thương.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Hội nghị đã tập trung đánh giá hiện trạng, dự báo xu hướng tình hình kinh tế, thương mại tại khu vực châu Âu và những tác động đến Việt Nam, trên cơ sở đó đưa ra các khuyến nghị về chiến lược, biện pháp phát triển thị trường khu vực châu Âu cho giai đoạn 2019-2020. Các đại biểu cũng tập trung thảo luận việc tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, xây dựng các khung hợp tác mới về kinh tế, thương mại và công nghiệp, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ mới, công tác vận động chính sách, tháo gỡ rào cản trên thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại phục vụ doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình đánh giá cao những kết quả hệ thống thương vụ đã đạt được trong thời gian qua tại thị trường châu Âu, địa bàn chiến lược của xuất khẩu Việt Nam, đồng thời cũng là khu vực Việt Nam đang ưu tiên mở rộng hợp tác về mọi mặt. Đồng chí nhấn mạnh khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với các nước châu Âu, việc nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, khung hợp tác để tận dụng cơ hội do hội nhập đem lại, thúc đẩy việc tham gia của Việt Nam vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, cũng như hình thành các chuỗi giá trị mới là nhiệm vụ rất quan trọng của Bộ Công thương và các cơ quan thương vụ. Đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị, trong thời gian tới Bộ Công thương cần tiếp tục đổi mới hoạt động thương vụ, nâng cao vai trò, trách nhiệm, xây dựng hệ thống thương vụ năng động, kiến tạo, phục vụ doanh nghiệp.
Để góp phần hoàn thành kế hoạch, Quốc hội và Chính phủ đã giao cho Bộ Công thương, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng yêu cầu các Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan thương vụ khu vực châu Âu trong năm 2019 cần tập trung mọi nguồn lực hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, đồng thời tập trung vào công tác phát triển thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp và chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp) mà các nước sở tại áp dụng đối với hàng xuất khẩu Việt Nam. Đội ngũ Tham tán thương mại luôn phải có sự gắn kết chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp lớn ở trong nước để khai thác hiệu quả hơn các FTA mà Việt Nam đã và sẽ ký trong thời gian tới.
Theo Bộ Công thương, xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu đang tiếp tục được mở rộng và có xu hướng dịch chuyển tích cực về cơ cấu mặt hàng, với kim ngạch năm 2018 đạt hơn 62 tỷ USD (tăng 11,85%). Đặc biệt, xuất khẩu sang các nước thuộc Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) ghi nhận sự tăng trưởng mạnh (12% vào năm 2018) sau khi FTA giữa Việt Nam và khối kinh tế này có hiệu lực vào năm 2016.