Đồng chủ trì họp báo có Đại tá Trần Ngọc Anh, Phó Cục trưởng Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự; ông Nguyễn Tiến Việt, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La.
Hội thảo được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La vào ngày 13/4/2023, nhằm khẳng định, làm sáng tỏ tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, đã nhạy bén nắm bắt tình hình, phối hợp với Chính phủ Kháng chiến Lào mở Chiến dịch Thượng Lào 1953.
Đồng thời, các tham luận tại Hội thảo có nội dung nhấn mạnh sự chủ động, mưu trí, sáng tạo, tinh thần chiến đấu anh dũng, sẵn sàng vượt qua khó khăn, gian khổ của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị tham gia chiến dịch; phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Lào.
Các ý kiến đóng góp cũng tập trung làm rõ hơn những nét đặc sắc, độc đáo về nghệ thuật chỉ đạo và điều hành chiến tranh của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh; vai trò, đóng góp của lực lượng vũ trang và nhân dân trong Chiến dịch Thượng Lào 1953; tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi; sự phát triển bền chặt, tất yếu của quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong kháng chiến cũng như trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Hội thảo nhằm tri ân công lao to lớn, sự đóng góp của quân và dân Tây Bắc, trong đó có quân và dân Sơn La đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc nói chung và trong Chiến dịch Thượng Lào nói riêng.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Sáu, đây là lần đầu tiên một hội thảo cấp Bộ Quốc phòng về Chiến dịch Thượng Lào 1953 được tổ chức. Căn cứ chủ đề Hội thảo, Viện Lịch sử quân sự đã xây dựng hệ bài với tổng số 77 bài, trong đó có 72 tham luận và 5 phát biểu, báo cáo. Cơ cấu tham luận gồm 3 phần nội dung chính: Phần thứ nhất về những vấn đề chung với 19 bài. Phần thứ hai làm sáng rõ quan điểm Chiến dịch Thượng Lào 1953 là một biểu tượng của Liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào trong kháng chiến chống thực dân Pháp (34 bài). Phần thứ ba tập trung khẳng định tầm vóc, ý nghĩa và bài học kinh nghiệm (20 bài).
Các tham luận được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, đảm bảo chất lượng, khoa học, bám sát nội dung, chủ đề Hội thảo. Các tư liệu, sự kiện được khai thác, sử dụng để đưa vào tham luận với cách nhìn nhận sáng tạo, phong phú, tin cậy; phương pháp tiếp cận, giải quyết vấn đề có tính khoa học, thuyết phục. Nhiều bài viết đã cung cấp thêm tư liệu, tài liệu mới, với nhãn quan chính trị và tư duy mới; có sự phân tích sâu, góp phần khẳng định thắng lợi trong lãnh đạo, chỉ đạo Chiến dịch Thượng Lào năm 1953, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Bên lề sự kiện, Ban tổ chức Hội thảo sẽ tới thăm, tặng quà một số gia đình chính sách tại thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La); dâng hoa Tượng đài "Bác Hồ với đồng bào Tây Bắc" và dâng hương Đền thờ Bác Hồ (Quảng trường Tây Bắc, phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La); viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Nhà tù Sơn La và dâng hương tại Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Nhà tù Sơn La (Đồi Khau Cả, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La".