Hội thảo được tổ chức vào thời điểm diễn ra tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Dự và chỉ đạo Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, gần 50 năm qua, dưới ánh sáng đường lối văn hóa, văn nghệ đúng đắn của Đảng, những khó khăn, vướng mắc, rào cản đối với văn học, nghệ thuật từng bước được tháo gỡ. Môi trường hoạt động sáng tác, sáng tạo, nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật không ngừng được đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho văn học, nghệ thuật Việt Nam tiếp biến, hội nhập với văn học, nghệ thuật thế giới.
Cùng với sáng tác văn nghệ, lý luận văn hóa, văn nghệ Việt Nam đã có những bước phát triển mới theo hướng dân tộc, dân chủ, khoa học, hiện đại và hội nhập. Nhiều công trình lý luận văn nghệ cả cổ điển và hiện đại của nhân loại đã được dịch và giới thiệu; những vấn đề về đặc trưng, bản chất, giá trị, vai trò, chức năng và các mối quan hệ của văn nghệ được nghiên cứu, kiến giải một cách khách quan, khoa học và có luận cứ thuyết phục hơn. Phê bình văn học, nghệ thuật đã góp phần phát hiện, giới thiệu đến với công chúng nhiều tác giả, tác phẩm văn học nghệ thuật hay; phát hiện cái hay, cái đẹp về nội dung và hình thức của tác phẩm nghệ thuật; hướng dẫn công chúng thưởng thức nghệ thuật; tạo cầu nối giữa văn nghệ sĩ với công chúng; động viên, cổ suý và khích lệ những tìm tòi, sáng tạo.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Thắng lưu ý, trong thời gian qua, đời sống văn nghệ chưa tương xứng với vị thế, tầm vóc và những đổi thay nhanh chóng của đất nước. Số lượng các tác phẩm lớn, có giá trị cao còn khiêm tốn; lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa bắt kịp với yêu cầu định hướng sáng tác, sáng tạo phục vụ nâng cao chất lượng của đời sống tinh thần và thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Những hạn chế, bất cập này cần phải được nghiên cứu, nhận diện đầy đủ, chính xác, từ đó đề ra những quyết sách phù hợp, hiệu quả để khắc phục, điều chỉnh kịp thời.
Đánh giá cao Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng tin tưởng Hội thảo sẽ có nhiều kiến nghị, đề xuất thiết thực, mang tính đột phá; cung cấp luận cứ khoa học góp phần hoàn thiện đường lối đổi mới và xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Nhân dịp này, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đề nghị Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương sớm hoàn thành việc xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam vừa mang tính phổ cập nhân loại, vừa mang bản sắc dân tộc để phát huy vai trò của lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong việc đề ra tiêu chí thẩm định các tác phẩm văn học, nghệ thuật.
Theo Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 103 tham luận của các nhà quản lý văn hóa, văn nghệ; các nhà lý luận, phê bình văn học nghệ thuật công tác ở các cơ quan trung ương, địa phương, các trường đại học, viện nghiên cứu; các chuyên gia, văn nghệ sĩ, có cả chuyên gia nước ngoài gửi tham luận đến hội thảo.
Ông Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, 50 năm là khoảng thời gian cho phép để nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về những ưu điểm, kết quả, thành tựu và những hạn chế, bất cập, non kém của đời sống văn hóa, văn nghệ nước nhà, trong đó có công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.
“Trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá khách quan 50 năm văn hóa, văn nghệ Việt Nam từ sau năm 1975 đến nay, thêm một lần nữa chúng ta nhận thức rõ hơn sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, Nhà nước; sự đổi mới, kiên trì, linh hoạt của các cơ quan văn hóa, văn nghệ từ trung ương đến địa phương; sự nỗ lực của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình và văn nghệ sĩ trong nước và cả ở nước ngoài. Đồng thời, từ việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, cũng đúc rút được những bài học quý giá về việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa, văn nghệ; thái độ ứng xử đúng đắn, có lý, có tình đối với văn nghệ sĩ và tác phẩm của họ...”, ông Nguyễn Thế Kỷ cho hay.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ, đại biểu đã tập trung trao đổi, bàn thảo trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, khoa học, khách quan đánh giá, khẳng định đường lối, chính sách văn hóa, văn nghệ đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Nhà nước trong tiến trình xây dựng và phát triển văn hóa, văn nghệ, nhất là công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nước ta qua 50 năm đất nước thống nhất, hòa bình, đổi mới, phát triển.
Một số tham luận phân tích, đánh giá quá trình hòa hợp, hòa giải, thống nhất, tiếp biến, phát triển của nền văn học, nghệ thuật cách mạng, đồng thời đánh giá một cách khách quan, chính xác, thỏa đáng những đóng góp của bộ phận văn học yêu nước, tiến bộ ở các đô thị miền Nam 1954-1975; văn học yêu nước, tiến bộ của của người Việt Nam ở nước ngoài; quá trình giao lưu, tiếp thu, tiếp biến các trào lưu tư tưởng, lý luận văn nghệ nước ngoài ở Việt Nam; những vấn đề đặt ra trong quá trình hòa hợp, giao lưu, tiếp nhận, tiếp biến văn hóa, văn nghệ đã, đang và cần được giải quyết.
Một số nhà khoa học đã đưa ra những đánh giá, kiến giải về quá trình kế thừa và cách tân lý luận, phê bình văn nghệ dân tộc trong tiến trình xây dựng lý luận văn nghệ Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, phát triển, hội nhập; khẳng định những ưu điểm, thành tựu; chỉ rõ những hạn chế, bất cập của văn hóa, văn nghệ nước ta, trong đó có lĩnh vực lý luận, phê bình văn nghệ Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất. Từ đó, đề xuất định hướng, giải pháp xây dựng, phát triển văn hóa, văn nghệ, nhất là công tác lý luận, phê bình văn nghệ Việt Nam giàu tính dân tộc, khoa học, tiên tiến, dân chủ, nhân văn.