Theo đánh giá của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, kinh tế đạt được những điểm khích lệ, tăng đều ở 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; đặc biệt công nghiệp chế biến chế tạo tăng rất tốt. Lạm phát được kiểm soát, dự kiến chung đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Đến thời điểm này, cả 12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đã hoàn thành; trong đó có 8 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức và 4 chỉ tiêu hoàn thành; dự báo có 9 chỉ tiêu vượt mức hoàn thành kế hoạch 5 năm.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, bên cạnh những thành quả đạt được Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành chức năng nhìn nhận những bất cập, những diễn biến phức tạp của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, từ đó không được chủ quan, lơ là trước những kết qủa đã đạt được; nhất là việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, trong tháng 10 phải thực hiện được việc cắt giảm theo kế hoạch đã đề ra.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan chủ trì kiểm soát chặt chẽ những biến động nhất là những chỉ số vĩ mô, liên quan tới lạm phát; cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp…
Về tình hình từ nay đến cuối năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các tổ chức quốc tế dự báo triển vọng kinh tế của Việt Nam tiếp tục khả quan, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 dự kiến dao động trong khoảng 6,6-6,9%.
Chỉ số giá CPI có xu hướng tăng trong quý II và quý III năm 2018, dự báo bình quân cả năm 2018 vẫn bảo đảm đạt mục tiêu đề ra nhờ việc thực hiện đồng bộ các chính sách kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện để điều hành giá và có dư địa điều chỉnh giá mặt hàng do Nhà nước quản lý.
Tuy vậy, với những thách thức hiện hữu, nhất là việc thiếu hụt các động lực tăng trưởng chính trong khi áp lực lạm phát tăng lên trong những tháng cuối năm, hạn chế dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng.
Báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, GDP 9 tháng năm 2018 tăng 6,98%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011 trở về đây.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ; tháng 9/2018 tăng 0,59% so với tháng trước. CPI bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 3,57%. Trong 9 tháng, xuất siêu 5,39 tỷ USD. Có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD.
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước và bằng 34% GDP. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng 6%; góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng 36,8%.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng 9 tháng năm nay cao nhất trong giai đoạn 2012-2018, khẳng định cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng của khu vực này và là động lực chính của tăng trưởng kinh tế với mức tăng cao 12,65%, tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2017 nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng 9 tháng các năm 2012-2016.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,3%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,8%. Thu hút khách du lịch đạt trên 11,6 triệu lượt, tăng 22,9%.
Trong 9 tháng, cả nước có trên 96.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 963,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% về số doanh nghiệp và tăng 6,7% về số vốn. Còn có gần 23.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 8,5% so với cùng kỳ.