Thỏa thuận hợp tác gồm 8 Điều, trong đó nội dung hợp tác gồm các nội dung như: Tăng cường trao đổi thông tin; phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý tội phạm ma túy; phối hợp xác minh giải cứu, hỗ trợ nạn nhân trong các chuyên án, vụ án; trao đổi kinh nghiệm phòng chống mua bán người; hỗ trợ đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống mua bán người và hợp tác trong đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng trình độ tiếng Anh cho cán bộ Bộ đội Biên phòng.
Cơ chế hợp tác của Thỏa thuận là hai năm tổ chức một lần giữa Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam và Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Nội vụ Anh. Một năm tổ chức hội đàm một lần giữa Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng và Bộ phận Quản lý Nhập cư - Di cư, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội. Trường hợp có tình huống khẩn cấp cần xử lý, hai Bên báo cáo cấp có thẩm quyền và tổ chức hội đàm công tác, gặp gỡ, trao đổi thông tin theo quy định. Các bên sẽ liên lạc, trao đổi thông tin bằng Công hàm chính thức thông qua Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội.
Tại buổi ký kết thỏa thuận, Trung tướng Lê Đức Thái nhấn mạnh, đây là sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển mới, thực chất, hiệu quả về hợp tác quốc tế giữa lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland trong việc triển khai thực hiện Hiệp định song phương giữa Chính phủ hai nước về phòng, chống mua bán người.
Tư lệnh Bộ đội Biên phòng mong muốn các cơ quan chức năng của hai nước nói chung và lực lượng thực thi pháp luật của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Nội vụ, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, cùng nhau triển khai hiệu quả các nội dung Thỏa thuận, đạt mục đích, yêu cầu đề ra, góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người tại Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung.
Thông tin tại cuộc ký kết thỏa thuận hợp tác cũng cho thấy, năm 2023, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được gần 25 nghìn buổi/700 nghìn lượt người tham gia; đã cấp phát hơn 22 nghìn tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống mua bán người. Bộ đội Biên phòng đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý 1.604 vụ/66.621 lượt người xuất, nhập cảnh trái phép, nhiều người trong đó có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của các đường dây tội phạm mua bán người.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng bắt và xử lý 103 vụ/92 đối tượng; giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ và chuyển tuyến 235 nạn nhân và nghi nạn nhân. Bộ đội Biên phòng tổ chức tập huấn pháp luật, nghiệp vụ phòng, chống tội phạm nói chung, trong đó có pháp luật, nghiệp vụ phòng chống mua bán người cho gần 2.000 cán bộ phòng chống ma túy và tội phạm.
Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với Phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Đại sứ quán Anh và Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh tổ chức 5 lớp tập huấn chuyên sâu về công tác phòng, chống mua bán người cho 180 cán bộ làm công tác phòng, chống ma túy và tội phạm; tổ chức 3 buổi hội thảo liên ngành nâng cao năng lực phòng, chống mua bán người.
Từ năm 2021 đến nay, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam và Cơ quan Bảo vệ biên giới, Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Nội vụ Anh đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người.