Quan hệ Việt Namv- Trung Quốc đã trải qua chặng đường phát triển 74 năm kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Theo Đại sứ, đâu là những điểm sáng trong mối quan hệ giữa hai nước? Ông đánh giá thế nào về triển vọng của quan hệ hai nước, nhất là sau chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình?
Điểm nổi bật lớn nhất trong quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thời gian gần đây là chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là sự kiện quan trọng nhất trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước.
Với sự nỗ lực chung của hai bên, chuyến thăm lần này đã thành công tốt đẹp. Thành tựu chính trị quan trọng nhất là việc lãnh đạo cao nhất của hai Đảng cùng tuyên bố xác lập Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại. Sự kiện này xác định vị thế mới trong quan hệ Trung Quốc - Việt Nam và mở ra một chương mới trong quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Việt Nam. Có thể nói, đây là sự kiện mang tính bước ngoặt trong lịch sử quan hệ giữa hai Đảng, hai nước và chắc chắn sẽ tác động sâu sắc đến sự phát triển từ nay về sau của quan hệ Trung Quốc - Việt Nam.
Về việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc - Việt Nam có ý nghĩa chiến lược, hai bên nhất trí cho rằng ý nghĩa cốt lõi của cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc - Việt Nam là hai bên cùng cam kết mang lại hạnh phúc cho nhân dân hai nước, đem lại sự phát triển cho hai nước và tiến bộ cho toàn nhân loại. Cộng đồng chia sẻ tương lai không chỉ phản ánh việc nâng cấp quan hệ song phương của hai nước mà còn phản ánh tinh thần quốc tế cao cả của hai Đảng. Trung Quốc và Việt Nam cần tăng cường hợp tác, đóng góp sức mình trong việc giải quyết những thách thức chung mà cộng đồng quốc tế đang đối mặt.
Liên quan đến sự phát triển của quan hệ song phương, chuyến thăm này đã xác định mục tiêu phát triển “ 6 hơn”: tin cậy chính trị cao hơn; hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn; hợp tác thực chất sâu sắc hơn; nền tảng xã hội vững chắc hơn; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn, bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn.
Nội hàm của mục tiêu phát triển “6 hơn” rất toàn diện và xác định rõ định hướng phát triển của quan hệ Trung Quốc - Việt Nam trên mọi phương diện. Tôi tin rằng sau chuyến thăm này, quan hệ Trung Quốc - Việt Nam chắc chắn sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới, hợp tác thực chất giữa hai nước trên các lĩnh vực chắc chắn sẽ được cải thiện, nâng cấp và đẩy mạnh hơn nữa.
Mấy tháng vừa qua, hoạt động thương mại của Việt Nam - Trung Quốc rất sôi động, thuận lợi với hàng loạt cửa khẩu vừa được nối lại và nâng cấp. Theo Đại sứ, hai nước cần làm gì trong thời gian tới để quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư Việt - Trung tiếp tục phát triển mạnh mẽ và bền vững?
Chúng tôi rất vui mừng khi thấy sau khi công tác phòng, chống dịch bệnh ổn định và chuyển sang giai đoạn mới, Trung Quốc và Việt Nam đã nối lại hoàn toàn hợp tác kinh tế - thương mại bình thường. Nhiều cửa khẩu biên giới của hai nước đã được khôi phục và nâng cấp. Một số cửa khẩu đã được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế, tạo thuận lợi cho việc đi lại giữa hai nước. Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Trung Quốc - Việt Nam bước vào trạng thái mới với đà phát triển sôi động hơn.
Theo số liệu thống kê mới nhất của phía Trung Quốc, kim ngạch thương mại Trung Quốc - Việt Nam năm 2023 đạt gần 230 tỷ USD (229,8 tỷ USD). Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 92,18 tỷ USD, tăng 4,8%. Trung Quốc là một trong số không nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam còn duy trì được mức tăng trưởng dương, điều này chứng tỏ tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc cũng như tầm quan trọng của quan hệ hợp tác Trung Quốc - Việt Nam.
Trung Quốc là thị trường có tiềm năng rất lớn. Xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc duy trì mức tăng trưởng khá, đặc biệt là với mặt hàng rau quả. Kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc tăng nhanh, đặc biệt là xuất khẩu sầu riêng. Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc năm 2023 đạt hơn 2 tỷ USD (mục tiêu đề ra là 1 tỷ USD). Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam năm 2023 đạt 4,47 tỷ USD, tăng 77,6%, điều này cho thấy các công ty Trung Quốc rất quan tâm tới thị trường Việt Nam cũng như triển vọng phát triển của thị trường này.
Tôi tin rằng xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới. Chẳng hạn, gần đây, tôi thấy một số công ty Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực điện mặt trời đang có kế hoạch tăng cường đầu tư vào Việt Nam, có doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn 2 và đang lên kế hoạch xây dựng giai đoạn ba. Tất cả những điều này cho thấy, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Trung Quốc - Việt Nam có triển vọng rất tốt. Tôi tin tưởng hợp tác thực chất giữa hai nước nhất định sẽ phát triển hơn nữa.
Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục duy trì đà phát triển này. Trước tiên, cần tiếp tục duy trì và tăng cường trao đổi chính sách, trong đó quan trọng nhất là trao đổi chiến lược cấp cao giữa Lãnh đạo hai nước. Năm 2024, hai nước sẽ tiếp tục duy trì thăm viếng cấp cao, trên cả kênh Ủy Ban Chỉ đạo hợp tác song phương Trung - Việt và khuôn khổ “Vành đai Con đường” và “Hai hành lang một vành đai”.
Hai bên đã ký kết quy hoạch kết nối, trong năm nay sẽ thúc đẩy triển khai mạnh mẽ. Hai bên đang tập trung thúc đẩy kết nối toàn diện mạng lưới đường bộ, đường biển, đường không và kết nối internet. Đặc biệt, hai bên rất coi trọng việc đẩy nhanh kết nối hạ tầng đường sắt, phát huy tối đa lợi thế địa lý tiếp giáp trên biển và trên đất liền của Trung Quốc và Việt Nam.
Trung Quốc sẽ tích cực ủng hộ Việt Nam đẩy nhanh việc xây dựng tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai-Hà Nội - Hải Phòng và tiến hành nghiên cứu khả thi, đồng thời hỗ trợ Việt Nam trong việc quy hoạch các tuyến Đồng Đăng - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng. Đối với việc xây dựng các tuyến đường sắt khác ở Việt Nam, Trung Quốc sẵn sàng tích cực hợp tác, hỗ trợ theo nhu cầu của phía Việt Nam.
Trung Quốc tích cực hỗ trợ Việt Nam đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hiện thực hóa mục tiêu phát triển mà Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra, khuyến khích các doanh nghiệp có thực lực, trình độ, có năng lực và nguyện vọng đến đầu tư, hợp tác tại Việt Nam, đặc biệt là tham gia vào các lĩnh vực như kinh tế số, phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, thông tin truyền thông, phát triển nông nghiệp, hợp tác khai thác khoáng sản.
Ngoài ra, chúng tôi sẵn sàng tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực phương tiện sử dụng năng lượng mới, hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Gần đây, một nghệ sĩ trẻ của Việt Nam tham dự một “game show” truyền hình tại Trung Quốc và tạo được hiệu ứng tích cực; một thương hiệu cà phê nổi tiếng của Việt Nam tăng cường hiện diện tại Trung Quốc… Những hoạt động này trong chừng mực nào đó đã góp phần thúc đẩy giao lưu nhân dân giữa hai nước. Theo Đại sứ, cần có thêm các biện pháp cụ thể nào để tăng cường giao lưu nhân dân cũng như giao lưu thế hệ trẻ giữa hai nước?
Sự hiểu biết lẫn nhau và trao đổi văn hóa giữa nhân dân hai nước là nền tảng quan trọng không thể thiếu cho sự phát triển quan hệ Trung Quốc - Việt Nam.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, trước hết, chúng ta cần tăng cường hơn nữa sự hiểu biết khách quan thực sự về nhau. Để đạt được điều này, chúng ta cần tăng cường trao đổi trực tiếp giữa nhân dân hai nước, khuyến khích khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam nhiều hơn, nhiều du khách Việt Nam đến Trung Quốc và nhiều thanh niên Việt Nam sang Trung Quốc học tập và sinh sống.
Trong quá khứ, hai Đảng, nhân dân hai nước đã kề vai sát cánh và hỗ trợ nhau trong suốt những năm tháng chiến tranh cũng như trong cuộc đấu tranh giành độc lập và giải phóng dân tộc. Truyền thống hữu nghị “vừa là đồng chí vừa là anh em” này cần phải được thế hệ trẻ hai nước tiếp tục phát huy.
Dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, Việt Nam và Trung Quốc đang xây dựng chủ nghĩa xã hội phù hợp với điều kiện mỗi nước, đẩy mạnh xây dựng con đường hiện đại hóa mang đặc sắc riêng của mỗi nước. Trung Quốc đã đạt được những thành tựu rực rỡ thu hút sự chú ý của toàn thế giới và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, nền kinh tế luôn duy trì sự phát triển ổn định và nhanh chóng. Người dân hai nước cần hiểu điều này, đây cũng là một phần trong sự hiểu biết lẫn nhau.
Tăng cường cầu nối giữa con người với con người; văn hóa nghệ thuật, tác phẩm điện ảnh, âm nhạc, du lịch… đều là những kênh rất tốt để tăng cường hiểu biết lẫn nhau.
Vừa qua, với sự nỗ lực chung của 12 quốc gia, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc, Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 78 lần đầu tiên thông qua nghị quyết chọn Tết Nguyên đán là ngày nghỉ lễ của Liên hợp quốc, Đại sứ có đánh giá gì về việc này?
Tết Nguyên đán là lễ hội truyền thống chung của nhân dân Trung Quốc, Việt Nam. Ngoài Trung Quốc và Việt Nam, Tết còn là ngày lễ trọng đại của nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới. Đây là một yếu tố quan trọng của văn hóa phương Đông. Đại Hội đồng Liên hợp quốc coi đây là ngày lễ của Liên hợp quốc, tôi cho rằng đó là điều đương nhiên. Tôi rất vui vì điều đó.
Nhân cơ hội này, tôi cũng mong muốn thông qua Thông tấn xã Việt Nam gửi những lời chúc năm mới tốt đẹp nhất tới người dân Việt Nam. Tôi chúc nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, sẽ đạt được những thành tựu mới trong thực hiện mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra và trong việc tiếp tục thúc đẩy xây dựng kinh tế - xã hội của Việt Nam trên mọi lĩnh vực. Tôi chúc Việt Nam quốc thái dân an, nhân dân an cư lạc nghiệp, hạnh phúc, an khang.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!