Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định, việc ký kết Chương trình nhằm tăng cường, củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác hữu nghị đặc biệt giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh. Đồng thời, góp phần trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ, hợp tác để cùng nhau phát triển về kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng - an ninh; đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh Hưng Yên, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên cho biết, những năm qua, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo có nhiều đổi mới, chú trọng, bài bản, khoa học, linh hoạt, kịp thời, quyết liệt, hiệu quả; được triển khai đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Kỷ cương, kỷ luật trong Đảng được tăng cường, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên được nâng lên. Khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được củng cố; niềm tin của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đối với cấp ủy đảng, chính quyền và sự nghiệp phát triển tỉnh Hưng Yên ngày càng được nâng lên.
Từ năm 2020 đến tháng 6/2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh ước đạt 9,3%/năm. Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đạt kết quả tích cực, chỉ số PCI năm 2022 đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố, tăng 39 bậc so với năm 2021. Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp và thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp được quan tâm chú trọng. Hưng Yên là tỉnh thứ ba trên cả nước về đích xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, xây dựng Hưng Yên giàu đẹp, văn minh, có công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước…
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cho rằng, Hưng Yên và Hà Tĩnh có nhiều điểm tương đồng, do đó, việc ký kết hợp tác sẽ là cơ sở để hai tỉnh tăng cường hơn nữa sự hợp tác nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội.
Chia sẻ về những kết quả tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được nửa đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, ông Hoàng Trung Dũng cho biết, những năm qua, công tác xây dựng, củng cố tổ chức các cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên, chất lượng sinh hoạt chi bộ được chú trọng. Tỉnh thường xuyên quan tâm phát triển đảng viên, nhất là trong trường học, vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào theo đạo và doanh nghiệp tư nhân; từng bước khắc phục tình trạng thôn, tổ dân phố chưa có đảng viên và chi bộ sinh hoạt ghép.
Giai đoạn 2021 - 2023, tăng trưởng GRDP bình quân trên địa bàn tỉnh đạt 5%/năm; các sản phẩm công nghiệp chủ lực như điện, thép, đóng góp đáng kể cho ngành công nghiệp; sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá. Tỉnh Hà Tĩnh hướng đến mục tiêu trở thành một trong những tỉnh phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2025 tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội đối ngoại ổn định, bền vững.
Theo nội dung ký kết, trong giai đoạn 2023 - 2025, hai tỉnh Hưng Yên và Hà Tĩnh cùng trao đổi về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; trong đó trọng tâm là trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng tổ chức, bộ máy, biên chế; sắp xếp, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị để hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước; công tác đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bố trí, sử dụng, phát huy năng lực, sở trường, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đoàn thể, đảng viên, đoàn viên, nhất là trong doanh nghiệp ngoài nhà nước…
Cùng với đó, hai tỉnh tăng cường về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; chú trọng đến hợp tác về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; thu hút đầu tư, phát triển đô thị; công nghiệp và thương mại; quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; hợp tác về chuyển đổi số, cải cách hành chính…
Hưng Yên và Hà Tĩnh cũng tăng cường hợp tác trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử, giá trị các làng nghề truyền thống gắn với địa điểm di tích, điểm du lịch tiêu biểu. Đối với việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là Danh nhân văn hóa thế giới, hai tỉnh chủ động phối hợp đề xuất Bộ Y tế; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chính phủ quan tâm triển khai các hoạt động, nhất là chỉnh trang trùng tu, tôn tạo Nhà tưởng niệm Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ở huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên và huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh để xứng tầm với công lao, đóng góp của Đại danh y...