Khoản 1 Điều 93 Luật Bảo vệ môi trường đã quy định nội dung lồng ghép ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm đảm bảo quá trình xây dựng và cập nhật chiến lược, quy hoạch của các cơ quan có sự thống nhất, hiệu quả phục vụ phát triển bền vững.
Chiến lược phải thực hiện lồng ghép gồm: Chiến lược khai thác, sử dụng tài nguyên cấp quốc gia; chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực quy mô quốc gia, cấp vùng.
Quy hoạch phải thực hiện lồng ghép gồm: Quy hoạch quốc gia; quy hoạch vùng; quy hoạch tỉnh; quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.
Thông tư nêu rõ, lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược thực hiện trong quá trình xây dựng chiến lược theo 5 bước sau: Đề xuất hoạt động lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu trong thuyết minh nhiệm vụ xây dựng chiến lược; phân tích tác động của biến đổi khí hậu, yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu; xác định giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu để lồng ghép vào chiến lược; lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào chiến lược; lấy ý kiến nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu đã lồng ghép.
Về thích ứng biến đổi khí hậu, Thông tư chỉ rõ cần xác định các ngành, lĩnh vực, khu vực trọng điểm, cộng đồng dân cư có nguy cơ chịu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu gồm: thể chế, chính sách; công trình, phi công trình; phát triển khoa học và ứng dụng công nghệ tiên tiến; chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn; phát triển nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức, huy động nguồn lực tài chính, hợp tác quốc tế và các giải pháp khác. Trong đó, ưu tiên giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu có hiệu quả, bền vững; giải pháp tận dụng tác động tích cực do biến đổi khí hậu mang lại.
Về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, cần xác định các ngành, lĩnh vực, đối tượng phát thải khí nhà kính chủ yếu. Cùng với đó là mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính tổng thể, mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đối với ngành, lĩnh vực, khu vực trọng điểm; đóng góp vào mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của quốc gia. Các giải pháp thực hiện giảm nhẹ phát khí nhà kính phải phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển quốc gia, ngành, lĩnh vực, khu vực trọng điểm, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với quy hoạch, cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xác định yêu cầu phải thực hiện hoạt động lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu trong nhiệm vụ lập quy hoạch. Trong đó, cần chú ý, quan điểm của quy hoạch về ứng phó với biến đổi khí hậu phải rõ ràng, có tính dài hạn và khả thi; phù hợp với xu thế chung, chính sách, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và điều kiện tự nhiên, tiềm năng phát triển của quốc gia, vùng, địa phương và của ngành, lĩnh vực.
Việc lồng ghép vào phương án, phương hướng hoặc định hướng quy hoạch dựa trên đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội và lợi thế của quốc gia, vùng, địa phương. Lồng ghép các giải pháp ưu tiên trong ứng phó với biến đổi khí hậu là thích ứng hoặc giảm nhẹ, hoặc cả hai nội dung nêu trên.
Đối với chiến lược, quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ lập, điều chỉnh trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm phê duyệt nhiệm vụ lập, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch.
Đối với chiến lược, quy hoạch đã lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu được phê duyệt trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, khi điều chỉnh chiến lược, quy hoạch kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì phải thực hiện lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy định tại Thông tư này đối với nội dung điều chỉnh của chiến lược, quy hoạch.
Đối với chiến lược, quy hoạch chưa lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu được phê duyệt trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, khi điều chỉnh chiến lược, quy hoạch kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì phải thực hiện lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy định tại Thông tư này.
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 1/10/2023.