Các lực lượng này đã phân chia các khu vực trên vùng biển Quy Nhơn theo khoảng cách hải lý để phối hợp tìm kiếm một cách chặt chẽ. Phạm vi tìm kiếm dọc bờ biển dài 30 hải lý, rộng 7 hải lý. Ngoài ra, Cục Hàng hải Việt Nam đã có yêu cầu các tàu hàng khi đi qua khu vực này cũng tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến, cho biết trong tổng số 84 thuyền viên ở trên 8 tàu hàng bị chìm đã tìm thấy 75 thuyền viên, trong đó có 71 người sống và 4 người tử vong. Hiện còn 9 thuyền viên đang mất tích. Trong ngày 5/11, lực lượng cứu hộ tìm thấy thêm 4 thuyền viên, trong đó có hai thuyền viên đã tử vong.
Khu vực tìm kiếm hiện có gió mạnh cấp 6, cấp 7, sóng vẫn cao 2,5-3m, trời mưa rất lớn nên tầm nhìn bị hạn chế, công tác tìm kiếm cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn. Hiện các lực lượng cứu hộ đã huy động tối đa nguồn lực để tìm kiếm 9 thuyền viên và 5 ngư dân bị mất tích. Công tác tìm kiếm tiến hành liên tục, ban đêm các tàu cứu nạn bật đèn pha để tìm kiếm các nạn nhân.
Đối với 8 tàu hàng bị chìm, Cục Hàng hải Việt Nam đang phối hợp với các chủ tàu xác định số lượng người, vị trí của từng khoang tàu để các đơn vị kỹ thuật của Hải Quân và Cục Hàng hải định vị và thuê thợ lặn vào để kiểm tra thực tế, sau đó mới tính đến các phương án trục vớt tàu. Riêng sự cố tràn dầu của các tàu bị chìm, lực lượng ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Trung đang từ Đà Nẵng vào và sẽ phối hợp với tỉnh Bình Định để xây dựng phương án khắc phục, xử lý đạt hiệu quả nhất.
Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến, Phó chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn chỉ huy lực lượng tàu cứu hộ tìm kiếm thuyền viên mất tích trên biển Quy Nhơn. Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN |
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện về tìm kiếm, cứu nạn các thuyền viên và ngư dân bị nạn do ảnh hưởng của cơn bão số 12 trên vùng biển miền Trung, trong đó có các thuyền viên của các tàu hàng bị nạn tại vùng biển Quy Nhơn, Bình Định.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Bình Định huy động tối đa các lực lượng, phương tiện triển khai ngay các biện pháp để tìm kiếm các nạn nhân còn đang bị mất tích, trôi dạt trên biển, đặc biệt tại vùng biển Quy Nhơn, Bình Định.
Chiều 4/11, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn thành lập Trạm tiền phương tại Bình Định do Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến trực tiếp chỉ huy, phối hợp cùng với các đơn vị, lực lượng liên quan đẩy mạnh công tác cứu nạn, cứu hộ tàu, thuyền viên bị chìm do bão số 12.
Theo báo cáo mới nhất của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, đến tối 5/11, Bình Định vẫn mưa lớn trên diện rộng, nước các sông lên báo động 2-3, 31 hồ chứa nước đã đầy hoặc vượt tràn, cả ngàn hộ dân ở các huyện Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão, Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát bị ngập sâu trong nước lũ, nhiều thôn xóm ở huyện Vân Canh đang bị cô lập. Ngoài 13 thuyền viên chết và mất tích trên vùng biển Quy Nhơn, tỉnh Bình Định còn có 3 người chết và 5 người bị mất tích; 117 nhà sập, 513 tốc mái, hư hỏng; hơn 1.000 nhà ngập nước; 18 tàu đánh cá của ngư dân bị chìm, 1 tàu bị lũ cuốn trôi.