Bài cuối: Một thiên anh hùng ca bất tử
Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành một thiên anh hùng ca bất tử, một bộ phận quan trọng trong hệ thống vận tải quân sự chiến lược trong cuộc kháng chiến chống xâm lược, giải phóng đất nước, xây dựng nên truyền thống vẻ vang.
Chuẩn Đô đốc Phạm Ngọc Chấn, Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân khẳng định: “Cùng với Đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh trên biển là một nét độc đáo sáng tạo, đặc sắc của đường lối chiến tranh nhân dân, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh; trở thành biểu tượng tự hào của cả dân tộc Việt Nam, hiện thân của ý chí khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc; là trí tuệ, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; trong đó cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam, mà trực tiếp là Đoàn 759 trước đây, Đoàn vận tải quân sự 125 và Lữ đoàn 125 ngày nay là lực lượng nòng cốt”.
Các cựu chiến binh “Đoàn tàu không số” và các cháu học sinh trường THPT Đồ Sơn thăm bến K15 - Đồ Sơn. |
Thiếu tướng Vũ Quang Đạo, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết: Sau khi ra đời, Đoàn 759 – tuyến vận tải quân sự Hồ Chí Minh trên biển nhanh chóng khai thác những phương tiện tàu thuyền hiện có (tàu gỗ cải hoán), trưng dụng những cán bộ, chiến sỹ có ít nhiều kinh nghiệm sông nước ở cả miền Bắc và miền Nam, tổ chức những chuyến hàng đầu tiên chi viện cho chiến trường Nam bộ. Cùng với thắng lợi và kinh nghiệm từ mỗi chuyến đi, những tàu sắt có trọng tải lớn hơn, do các xưởng đóng tàu trong nước và nước bạn thực hiện theo thiết kế của ta, đã dần được bổ sung cho Đoàn 759 – Đoàn 125 và tất yếu là khối lượng vũ khí và hàng hóa quân sự từ hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường Nam bộ, Nam Trung bộ và duyên hải Khu 5 (nơi mà tuyến vận tải Trường Sơn chưa vươn tới được) ngày càng lớn.
Tính từ năm 1961 đến tháng 4/1975, Đoàn 759 – Đoàn 125 đã vận chuyển được 44.324 tấn vũ khí, trang bị, hàng hóa chi viện cho quân và dân miền Nam đánh Mỹ. Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, thực hiện Mệnh lệnh “thần tốc” của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, phải vận chuyển thật nhanh những vũ khí hạng nặng và hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ vào miền tây, kịp thời hiệp đồng tác chiến với các cánh quân đường bộ, Đoàn 125 đã thực hiện thành công 130 lần với 143 chuyến tàu, chở 8.741 tấn vũ khí hạng nặng, gồm 50 xe tăng và pháo cỡ lớn; đưa 18.741 cán bộ, chiến sĩ vượt 65.721 hải lý để kịp thời tham gia chiến đấu.
Có thể nói, về số lượng vũ khí và hàng hóa mà Đoàn 125 vận chuyển bằng Đường Hồ Chí Minh trên biển so với số lượng vận chuyển của Đường Hồ Chí Minh trên bộ thì ít hơn nhiều, nhưng nó lại có ý nghĩa thật lớn lao. Theo đánh giá của các nhà quân sự thì vận tải biển tuy có gian nan, nguy hiểm hơn đường bộ nhưng lại có ưu thế về tốc độ, thời gian. Nếu vận chuyển bằng đường bộ mất mấy tháng trời hàng mới tới nơi, thì vận chuyển bằng đường biển chỉ hơn một tuần, mà tỷ lệ tổn thất về hàng hóa chỉ 7% (tỷ lệ mà Quân ủy Trung ương cho phép là 50%). Chi phí vận tải cho mỗi tấn hàng trên biển đỡ tốn kém hơn rất nhiều so với vận tải đường bộ. Cứ 100 tấn vũ khí vận chuyển bằng đường biển chỉ cần 10-15 cán bộ, chiến sĩ; nếu vận tải đường bộ thì cần đến một sư đoàn mang vác, nếu vận tải bằng cơ giới thì lượng xăng dầu tốn gấp hàng trăm lần so với vận tải đường biển. Ngoài ra, vận tải đường biển thường được đảm đương một sứ mệnh quan trọng, đó là vận chuyển những “hàng hóa đặc biệt” có tính sống còn đối với kháng chiến – đó là các loại vũ khí trang bị lớn, đặc chủng, những cán bộ cấp cao của Đảng, những chuyên gia đặc biệt bổ sung cho chiến trường. Với những thành quả trên, Đường Hồ Chí Minh trên biển đã góp phần quyết định cùng quân và dân miền Nam đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”, tiến lên làm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 đại thắng. Trong đó có nhiệm vụ đặc biệt là giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo phía Nam thuộc chủ quyền của Việt Nam, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Đi cùng với những chiến công anh hùng, những thử thách khắc nghiệt của chiến tranh trong cuộc đấu trí, đấu lực sinh tử với quân thù của cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” Đường Hồ Chí Minh trên biển trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều bài học kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo; về tổ chức xây dựng lực lượng và thực hiện nhiệm vụ; về công tác đảm bảo thông tin, hậu cần, kỹ thuật… được đúc kết, vẫn còn nguyên giá trị đối với nhiệm vụ xây dựng lực lượng vận tải biển, phục vụ trực tiếp cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc hôm nay và mai sau.
Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong vận tải và chi viện cho chiến trường, lực lượng vận tải quân sự hải quân đã được Đảng, Nhà nước hai lần tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhiều tập thể và cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng và được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý khác. Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng những chiến công huyền thoại của “Đoàn tàu không số” và kỳ tích “Đường Hồ Chí Minh trên biển” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta vẫn là nét độc đáo, sáng tạo của chiến tranh nhân dân, đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, dấu son chói lọi trong trang sử truyền thống của Hải quân nhân dân Việt Nam.
Bài và ảnh: Viết Tôn