Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Phó Tổng Tư lệnh quân giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ có nước ta mới có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam và cho cả dân tộc ta". Nữ tướng Nguyễn Thị Định đã đi xa cách đây đúng 30 năm (26/8/1992 - 26/8/2022). Dù vậy, Nữ tướng Rừng dừa, "Linh hồn" của phong trào Đồng Khởi, Thủ lĩnh của "Đội quân tóc dài" huyền thoại vẫn sống mãi trong lòng thế hệ hôm nay.
Lưu danh Nữ tướng Rừng dừa
Nữ tướng Nguyễn Thị Định (được người dân gọi là cô Ba Định) sinh ngày 13/2/1920, là con út trong gia đình giàu truyền thống cách mạng ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Khi tròn 16 tuổi, bà giác ngộ và bắt đầu tham gia cách mạng, đảm nhận nhiệm vụ giao liên, rải truyền đơn và vận động quần chúng đấu tranh. Tháng 10/19, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
Năm 1946, bà là thành viên nữ duy nhất trong đoàn cán bộ của Khu 8 vượt biển ra Bắc, gặp Trung ương để báo cáo tình hình cách mạng miền Nam và xin chi viện vũ khí. Bằng lòng quả cảm, trí thông minh, bà đã khéo léo vượt trùng dương đưa 12 tấn vũ khí từ miền Bắc vào tận chiến trường Nam Bộ. Đây là tiền đề để Trung ương nghiên cứu, đánh giá, đi tới quyết định thành lập tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại, tiền thân của những đoàn tàu không số sau này.
Những năm 1960, tên tuổi của cô Ba Định còn gắn liền với phong trào Đồng Khởi Bến Tre, với "Đội quân tóc dài" làm cho quân thù khiếp sợ. Đến năm 1974, cô Ba Định được phong hàm Thiếu tướng và trở thành nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau khi miền Nam được giải phóng, non sông thống nhất, cô Ba Định đảm đương nhiều vị trí, chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước. Bà được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Giải thưởng Hòa bình quốc tế Lê-nin, danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân,…
Một đời chiến đấu hy sinh, Nữ tướng Nguyễn Thị Định đã trở thành huyền thoại, không chỉ tiêu biểu cho phụ nữ miền Nam thành đồng đất thép Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang, bà còn là điển hình mẫu mực cho phụ nữ Việt Nam. Với 72 năm tuổi đời, 56 năm hoạt động cách mạng kiên cường, suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ, với đức tính khiêm tốn, nhân hậu, cô Ba Định là một trong những người phụ nữ tiêu biểu của đất nước, gắn bó mật thiết với nhân dân. Bà là người lãnh đạo có uy tín, được nhân dân, chiến sĩ và phụ nữ Việt Nam, bạn bè quốc tế kính trọng; là tấm gương sáng, trao truyền những giá trị tốt đẹp cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Gìn giữ những địa chỉ đỏ
Nằm sâu trong ấp Hòa Thạnh A, xã Lương Hòa, căn nhà ba gian - nơi Nữ tướng sinh ra và từ đó ra đi đấu tranh giải phóng quê hương, đất nước - hiện được phục dựng giống với nguyên bản và được trông coi, gìn giữ cẩn trọng. Theo lời kể của những người thân cô Ba Định, Nữ tướng có người anh ruột là ông Nguyễn Văn Chẩn (Ba Chẩn) giác ngộ và hoạt động cách mạng từ sớm. Tại ngôi nhà này, cô Ba Định đã được nghe ông Chẩn và các bạn diễn thuyết, họp bàn "việc nước", từ đó nhận thức về cách mạng bắt đầu nhen nhóm trong lòng.
Trong những năm chiến tranh, xóm ấp nơi gia đình cô Ba Định sinh ra và lớn lên luôn chịu nhiều bom đạn ác liệt. Ông Nguyễn Bé Ba (sinh năm 1969 - gọi Nữ tướng là bà Út) cho biết, không biết bao nhiêu lần bom đạn rơi xuống khu vườn quanh nhà, trong đó lần cuối cùng bom rơi trúng ngay nhà, cả ngôi nhà chỉ còn vài ba cây cột ngút khói đứng chơ vơ. Sau ngày 30/4/1975, bà Út về Bến Tre thăm gia đình, nhưng ngôi nhà cũ không còn, bà phải nhờ đóng vội miếng ván gỗ lên thân cây cột nhà chỏng chơ để làm bàn thờ tạm để thắp hương, báo công lên cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Sau đó, bà Út đã cho làm lại ngôi nhà đơn sơ để thế hệ sau làm nhà thờ cúng tổ tiên.
Ông Nguyễn Bé Ba cho biết thêm, phía sau ngôi nhà, một hố bom vẫn còn rộng và sâu, dù đã trải qua nửa thế kỷ. Khi còn sống, bà Ba Định căn dặn giữ nguyên hiện trạng để lưu lại cho đời sau, chỉ cần gia cố, làm sạch đẹp miệng hố. Làm theo lời dặn, gia đình không san lấp, mà giữ lại hố bom. Theo ông Bé Ba, đó như một chứng tích chiến tranh nhắc nhở con cháu, thế hệ sau sống sao cho xứng đáng với quê hương, với sự kiên trung, tinh thần bất khuất, can trường của quân - dân ta trong thời bão lửa, chiến tranh để giành lại độc lập hôm nay.
Để tri ân công lao đóng góp của Nữ tướng Nguyễn Thị Định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bến Tre đã lập Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định ngay trên quê hương Nữ tướng. Năm 2003, công trình hoàn thành và đã tập hợp, lưu giữ nhiều tư liệu, hiện vật quý về vị nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đã 2 năm qua, gắn bó với công việc thuyết minh tại di tích Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định, chị Huỳnh Thị Thùy Trang (quê ở Đồng Tháp) cảm thấy tự hào khi là người trực tiếp giới thiệu đến khách về cuộc đời và sự nghiệp của một vị nữ tướng tài hoa của dân tộc, người được xem là biểu tượng của Phụ nữ Việt Nam.
Chị Trang cho biết, trước đây chỉ biết về phong trào Đồng Khởi và đôi nét về cuộc đời của cô Ba Định qua sách vở. Khi gắn bó với Khu lưu niệm, tìm hiểu sâu hơn về một huyền thoại, chị càng tôn kính hơn một người nữ Anh hùng của dân tộc. Điều đó thôi thúc chị cần phải trau dồi để dẫn dắt khách tham quan hòa vào khung cảnh kháng chiến hào hùng của từng thời kỳ, hiểu hơn về cuộc đời, thân thế và sự cống hiến của Nữ tướng.
Hiện đơn vị có 4 người, trong đó có 2 thuyết minh. Khu lưu niệm mở cửa tất cả các ngày trong tuần. Hàng năm, vào ngày 26/8 là ngày giỗ của cô Ba, ngoài sự có mặt của gia đình, người thân, bè bạn,… còn có cả du khách trong, ngoài tỉnh đến đây viếng đền cô Ba và tham gia vào các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt giao lưu, nghe kể chuyện xưa bên các hiện vật cụ thể tại phòng trưng bày của vị nữ tướng oai hùng. Trong thời gian tới, Bến Tre sẽ thực hiện dự án chỉnh trang, nâng cấp Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định, hình thành điểm đến của mọi tầng lớp nhân dân.
Giữ lửa truyền thống - Tiến bước tương lai
Chị Võ Thị Kim Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lương Hòa cho biết, hầu hết các gia đình tại địa phương đều dành một vị trí trang trọng để treo ảnh Nữ tướng - như một lời nhắc nhớ, sự tưởng niệm về cô Ba Định.
Truyền thống nối tiếp truyền thống, cách đây 60 năm, cô Ba Định và "Đội quân tóc dài" đã góp sức làm nên phong trào Đồng Khởi vẻ vang "Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy". Là những người con quê hương Đồng Khởi, phụ nữ Lương Hòa hôm nay ra sức quyết tâm thực hiện phong trào thi đua Đồng Khởi mới. Với phương châm "Đồng thuận - Sáng tạo - Trách nhiệm - Hiệu quả" và tinh thần thi đua "Đồng Khởi mới", Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lương Hòa tiếp tục đồng hành cùng các hội viên phấn đấu, phát triển vững mạnh hơn, ngày càng khẳng định rõ vai trò, vị thế của người phụ nữ trong xã hội - chị Hà nói.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Bến Tre Nguyễn Thị Kim Thoa nhấn mạnh, tấm gương cô Ba Định mãi là niềm tự hào, là động lực to lớn cho phụ nữ Bến Tre. Phụ nữ Bến Tre sẽ tiếp bước và phát huy truyền thống tốt đẹp của "Đội quân tóc dài" trong phong trào Đồng Khởi mới, tạo nên chân dung người phụ nữ Bến Tre tự tin, nhân ái, nghĩa tình, phát triển toàn diện trong thời kỳ mới. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã có bước phát triển về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp không ngừng đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động nhằm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của yêu cầu chính trị, nhu cầu của phụ nữ, góp phần cho sự phát triển của quê hương Đồng Khởi anh hùng.
Với vai trò là tổ chức tiên phong vì sự bình đẳng và phát triển phụ nữ, nòng cốt trong công tác phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tiếp tục thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; là cầu nối giữa Đảng với hội viên, phụ nữ, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các đề án, chiến lược, Chương trình mục tiêu quốc gia được Chính phủ phê duyệt liên quan đến phụ nữ, trẻ em, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ nhấn mạnh.
Trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, phụ nữ tỉnh Bến Tre sẽ tập trung phát động thực hiện hai phong trào thi đua, một cuộc vận động và 2 khâu đột phá. Từ đó hướng tới mục tiêu phát huy truyền thống, tinh thần đoàn kết, tạo sự đồng thuận và tập hợp phụ nữ thực hiện nhiệm vụ được giao; sáng tạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Đồng thời, phát huy tính tự chủ, sức sáng tạo, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ trong thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua "Phụ nữ Bến Tre thi đua Đồng Khởi mới, xây dựng gia đình hạnh phúc - tiến bộ" và "Xây dựng người phụ nữ Bến Tre tự tin, nhân ái, nghĩa tình, phát triển toàn diện", góp phần xây dựng Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030.