Trước đó, ngày 15/5/2020, Bộ Y tế cũng ban hành QĐ số 2065/QĐ- BYT về hướng dẫn tạm thời về tiếp nhận, bảo quản, cung cấp huyết tương từ người đã được điều trị khỏi COVID-19 nhằm bảo đảm các yêu cầu phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh trong tiếp nhận huyết tương hồi phục cũng như các yêu cầu về xét nghiệm sàng lọc bảo đảm an toàn đơn vị máu, yêu cầu về điều chế, bảo quản.
Đề tài nghiên cứu do Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Giaso sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc và công nghệ gene Vinmec, đồng chủ trì với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, bác sĩ của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương...
Tiến sĩ Văn Đình Tráng, phụ trách Khoa Vi sinh và Sinh học phân tử (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, việc lấy huyết tương của người bị nhiễm COVID-19 đã hồi phục để truyền cho bệnh nhân COVID-19 thể trung bình, nặng hoặc nghiêm trọng là để cứu bệnh nhân nặng có thể thoát tử vong và ngặn chặn các bệnh nhân nặng, trung bình nặng tiến triển đến giai đoạn nặng quá.
Đến nay các nhà khoa học không có phương thuốc điều trị hữu hiệu cho các bệnh nhân COVID-19, các loại thuốc kháng virus và nhiều thử nghiệm lâm sàng cho một số loại thuốc cũng không phải là sự lựa chọn để điều trị. Vì vậy, các nhà khoa học đã tìm tòi ra các phương pháp mới với hy vọng nó có thể làm cứu cánh chữa cho bệnh nhân nặng, nguy cơ nặng dẫn đến tử vong.
Tiến sĩ Văn Đình Tráng mong muốn những người mắc COVID-19 đã được chữa khỏi sẽ hiến tặng huyết tương của mình để truyền cho người đang mắc COVID-19, đặc biệt là bệnh nhân nặng, nguy cơ nặng, trung bình nhằm cứu sống người bệnh trong bối cảnh các thuốc điều trị đều rất ít tác dụng đối với COVID-19
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã bắt đầu lựa chọn người hiến huyết tương từ ngày 3/8/2020. Đến nay, đã có 5 người đăng ký tình nguyện hiến huyết tương, trong đó có một bác sĩ của bệnh viện đã từng mắc COVID-19 và được chữa khỏi. Các trường hợp này sẽ được xét nghiệm, sàng lọc kỹ lưỡng, nếu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn thì sẽ được hiến huyết tương.
Người đủ điều kiện hiến huyết tương phải là người từ 18-65 tuổi, cân nặng trên 50kg đối với nam và 45kg với nữ, từng mắc COVID-19 nhưng đã khỏi bệnh, xuất viện quá 14 ngày. Các đối tượng này sẽ được làm các xét nghiệm sàng lọc miễn phí các bệnh như viêm gan B, HIV, giang mai... và các xét nghiệm cần thiết khác nhằm đảm bảo hiến tặng nguồn huyết tương sạch.
Người nhận huyết tương là bệnh nhân COVID-19 trên 18 tuổi đến 75 tuổi được chẩn đoán xác định nhiễm SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm RT-PCR từ bệnh phẩm hầu họng, đáp ứng tất cả tiêu chuẩn lựa chọn và không có bất kỳ tiêu chuẩn loại trừ nào theo đề cương nghiên cứu
“Đây là việc làm rất ý nghĩa và việc hiến huyết tương là hoàn toàn tự nguyện. Người cho có quyền chấm dứt tham gia hiến tặng bất cứ lúc nào. Người bệnh đã khỏi COVID-19 có ý định hiến tặng huyết tương có thể liên hệ tới đường dây nóng 19003228 hoặc trực tiếp tới Phòng Công tác Xã hội của Bệnh viện”, Tiến sĩ Văn Đình Tráng thông tin.
Là một trong những bệnh nhân đăng ký hiến huyết tương ngay sau khi nhận được thông tin Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tổ chức nhận huyết tương của người đã khỏi bệnh, bệnh nhân 196 chia sẻ: Trước khi ra viện, tôi đã chủ động gọi điện xin hiến máu, nhưng lúc đó tình hình dịch đã ổn định nên bệnh viện không tiếp nhận. Bây giờ tôi đã có cơ hội trao sự sống cho những người đang mắc bệnh COVID và đấy cũng là một cách để cảm ơn các y bác sĩ đã tận tình cứu chữa cho tôi trong gần 3 tháng tôi nằm viện. Đây cũng là cơ hội và đặc quyền của những người mắc COVID-19 đã được chữa khỏi nhằm hỗ trợ các bác sỹ đang ngày đêm ở tuyến đầu chống dịch.
Bệnh nhân 196 nhớ lại: Gần 3 tháng nằm điều trị COVID-19, tôi được các y bác sỹ chăm sóc chu đáo, tận tình, được miễn phí từ cái khăn mặt đến bàn chải đánh răng... Tôi nhận thấy Nhà nước và bệnh viện đã quá chu đáo và vất vả vì người bệnh là chúng tôi. “Dịch bệnh đến với tôi như một tai nạn không báo trước. Khi nhận được thông báo mình dương tính với SARS-CoV-2, bầu trời như sụp đổ. Tôi lo lắng, hoang mang, sợ hãi nhưng đau lòng nhất là một vài đồng nghiệp của tôi còn trách móc tôi thiếu ý thức, viết những lời không đúng sự thực, kết án tôi là con người vô ý thức trên mạng xã hội khiến dư luận dậy sóng căm phẫn, đả kích tôi thậm tệ… Tôi lo lắng, sợ hãi, căng thẳng đến cùng cực. Và chính lúc đó tôi được chính quyền địa phương, người thân, bạn bè, đồng nghiệp động viên; Nhà nước, bệnh viện dang tay che chở, cứu chữa giúp tôi khỏi bệnh trở về với gia đình, với các con đang ngày đêm ngóng mẹ. Tôi vô cùng biết ơn. Tôi tự hào và thấy may mắn khi là người Việt Nam”.