Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 23 được tổ chức ngày 14/11 theo hình thức trực tuyến, Tổng thống Widodo cũng chia sẻ một số quan điểm về nỗ lực tăng cường các cơ chế phục hồi y tế, trong đó tập trung trước hết vào việc phát triển cơ sở hạ tầng y tế ở cấp quốc gia.
Cho rằng khả năng phục hồi y tế của khu vực cần bắt đầu từ cơ sở hạ tầng y tế toàn diện ở cấp quốc gia, Tổng thống Widodo nhấn mạnh rằng mỗi quốc gia cần đầu tư đảm bảo khả năng tiếp cận y tế với giá cả phải chăng, từ đó giúp cải thiện khả năng phục hồi của cộng đồng và khả năng sẵn sàng về y tế công cộng trong các trường hợp khẩn cấp.
Nhà lãnh đạo Indonesia đề xuất xây dựng năng lực công nghệ y tế kỹ thuật số như một phần của cơ sở hạ tầng y tế công cộng. Theo ông, dịch vụ y tế từ xa đang ngày càng trở nên phù hợp với đại dịch và các nước đối tác cần phối hợp xây dựng cơ sở hạ tầng y tế của từng quốc gia trong khu vực.
Để tăng cường cơ chế phục hồi y tế, Tổng thống Widodo cho rằng cần bắt tay phát triển nền y tế khu vực ngay lập tức. Ông nhấn mạnh, đại dịch hiện nay cho thấy tầm quan trọng của một ngành y tế khu vực mạnh mẽ - cả về thiết bị, thuốc men, nguyên liệu sản xuất thuốc lẫn dược phẩm và vaccine.
Tổng thống Widodo cho rằng lĩnh vực y tế cũng cần được hỗ trợ về năng lực nghiên cứu và phát triển, đồng thời nhấn mạnh rằng điều quan trọng là phải biến khu vực APT thành một trung tâm khoa học y tế, nhất là trong thời kỳ hậu đại dịch.
Tổng thống Widodo cũng đề cập đến việc thiết lập một khuôn khổ khu vực toàn diện nhằm ứng phó với đại dịch, bao gồm các hệ thống và quy trình thao tác chuẩn (SoP) trong thời kỳ đại dịch, hệ thống cảnh báo sớm, cũng như hệ thống cung ứng thiết bị y tế, thuốc men và vaccine trong khu vực.
Nguyên thủ quốc gia lớn nhất khu vực Đông Nam Á đánh giá rằng việc thiết lập Trung tâm ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và bệnh truyền nhiễm mới là “cần thiết”, đồng thời nhắc lại tuyên bố Jakarta sẵn sàng tiếp nhận cơ sở này.