Đây là thông tin được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho biết tại Hội nghị trực tuyến bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí năm 2021.
10 nhiệm vụ trong tâm với nội hàm mới
Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, có thể nói mảng đề tài xây dựng Đảng là đề tài rất rộng, không chỉ là công tác tổ chức xây dựng Đảng mà còn là kiểm tra, cải cách hành chính trong Đảng, tuyên giáo, công tác tư tưởng bảo vệ nền tảng của Đảng, nội chính, dân vận, vận động quần chúng của Đảng…
Đây là mảng đề tài rất rộng, tuy nhiên đây là mảng đề tài không dễ viết và có yêu cầu rất cao. Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, viết làm sao cho chân thực, chính xác, sinh động, tạo được sự quan tâm có ảnh hưởng đến công chúng là yêu cầu rất cao và phải đảm bảo đường lối, quan điểm của Đảng. Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng đặt nhiều hy vọng sẽ tiếp tục có những cây viết giỏi, sâu sắc về thực tiễn, đóng góp cho công tác xây dựng Đảng.
Theo bà Trương Thị Mai, trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng được xem là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết, thể hiện cụ thể trong 10 nhiệm vụ, bao gồm: Xây dựng Đảng về chính trị; xây dựng Đảng về tư tưởng; xây dựng Đảng về đạo đức; xây dựng Đảng về tổ chức bộ máy; chất lượng của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên; xây dựng đảng về cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu; công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng (và bây giờ đưa vào cụm từ mới, đó là tiêu cực); đổi mới phương thức lãnh đạo.
Như vậy qua nhiều nhiệm kỳ, nhiều tổng kết về mặt lý luận thực tiễn thì Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã cụ thể hóa thành 10 nhiệm vụ rất rõ ràng, minh bạch trong từng nhiệm vụ đều có những nội hàm mới.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, trong các văn kiện trình tại Đại hội XIII bao gồm Báo cáo chính trị, chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2021-2030), báo cáo kết quả kinh tế xã hội 5 năm (2016 -2020) và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021- 2025 thì có một báo cáo riêng được trình tại Đại hội là Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng. Đại hội cũng đã quyết định chưa sửa đổi Điều lệ Đảng. Tuy nhiên, đến năm 2023 Ban Tổ chức Trung ương giao nhiệm vụ tham mưu, tổng kết thi hành Điều lệ Đảng để nghiên cứu chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Báo cáo này đã đánh giá đầy đủ và sâu sắc về công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ XII của Đảng.
Những điểm nổi bật trong Kết luận 21-KL/TW
Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 diễn ra vào tháng 10 vừa qua đã thảo luận, đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết TW4 về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đã có thông qua Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá".
Có thể nói Kết luận 21 thể hiện quyết tâm chính trị để thực hiện có hiệu quả tốt hơn Nghị quyết TW4, khóa XI và Khóa XII và tên của Kết luận cũng đã thay đổi so với tên của Nghị quyết TW4, khóa XII cho thấy mức độ quyết tâm đối với yêu cầu công tác xây dựng Đảng.
Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, những nội dung mới trong Kết luận 21 này mà Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và thống nhất. Đó là, trong Kết luận 21 không chỉ dừng lại ở việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn mở rộng ra toàn bộ hệ thống chính trị. Như vậy xây dựng, chỉnh đốn Đảng bao hàm cả việc xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Hệ thống chính trị ở đây không chỉ dừng lại cán bộ, đảng viên mà còn là đội ngũ công chức, viên chức đang tham gia làm việc trong các cơ quan nhà nước. Trong đó có cả các đại biểu dân cử ở Quốc hội, Hội đồng nhân dân, là đoàn viên, hội viên của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội.
Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, tiếp tục kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa xây và chống. Xây là nhiệm vụ cơ bản, là chiến lược lâu dài, nhưng chống cũng là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên. Đây là ý rất quan trọng. Bây giờ xử lý kỷ luật Đảng, kể cả cán bộ cao cấp đều công khai.
Thông tin về một số người đặt hỏi tại sao những thông tin của Ủy ban Kiểm tra Trung ương theo trình tự phải trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương đã đưa thông tin ra cho công luận? Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nói: “Đây là sự mở rộng công khai, minh bạch của Đảng và thẩm quyền của Ủy ban kiểm tra được thông tin những vấn đề này ra công luận, sau đó quyết định của Ban chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư như thế nào thì sẽ công khai. Điều này cho thấy mức độ công khai, minh bạch trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đang tiếp tục mở rộng tăng cường. Và công khai, minh bạch này tạo điều kiện cho xã hội, cho nhân dân được tham gia vào công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng được tốt hơn. Nếu chúng ta nói dựa vào dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thì chúng ta phải tạo điều kiện để dựa vào dân tốt hơn”.
Thực tâm, thực chất
Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, ngày còn làm Trưởng ban Dân vận bà thường nói làm công tác dân vận phải “Thực tâm, thực chất”, tất cả vì nhân dân, phục vụ nhân dân, phải làm thực chất không làm kiểu à ơi.
Cũng theo bà Trương Thị Mai, Kết luận 21 cũng nêu yêu cầu: “Tạo được bước phát triển mới của Đảng về trí tuệ, bản lĩnh chính trị thực sự là đạo đức, là văn minh, ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân, ngày càng được nhân dân tin tưởng, đủ uy tín và năng lực lãnh đạo để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đây là cụm từ được tiếp tục nghiên cứu, trao đổi và đưa vào Kết luận 21 về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Trong Kết luận 21 có 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp bao gồm: Thứ nhất là công tác chính trị tư tưởng. Thứ hai là hoàn thiện cơ chế chính sách. Thứ ba là công tác kiểm tra, giám sát phòng, chống tham nhũng. Thứ tư là phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội. Trưởng Ban Tổ chức Trung ương co biết, lần này Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương bổ sung 1 nhóm nhiệm vụ và được xem là rất quan trọng trong Kết luận 21. Đó là nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu.
“Tôi xin nhấn mạnh hai nhóm cấp chiến lược và người đứng đầu gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc bổ sung này cho thấy vai trò rất quan trọng của công tác cán bộ với ý nghĩa là then chốt của then chốt. Và có thể nói tất cả mọi việc tập trung vào cán bộ, tập trung vào con người cụ thể cán bộ. Ở nơi nào cán bộ tốt, người đứng đầu tốt thì ở nơi đó nhân dân tin tưởng. Nơi nào cán bộ có vấn đề thì người dân khó có thể tin cậy được”, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.