Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Bình Phước, trong thời gian từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2021, UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch COVID-19, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành và hướng dẫn công tác phòng, chống dịch theo quy định, góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trên địa bàn cũng như công tác mua sắm thiết bị, vật tư y tế cho công tác phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, việc UBND tỉnh ban hành Công văn số 1566/UBND-TH ngày 24/5/2021 về chủ trương phê duyệt giá thực hiện mua sắm hóa chất, vật tư y tế tiêu hao là chưa hợp lý vì: Công văn số 1027/STC-HCSN ngày 14/5/2021, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh xây dựng giá kế hoạch (giá trần) làm cơ sở cho các huyện, thị, thành phố mua sắm các gói thầu từ 1 tỷ đồng trở xuống theo phân cấp hiện hành; phần lớn các đơn vị mua sắm vật tư y tế thấp hơn hoặc bằng giá do UDND tỉnh quy định. Ngày 27/9/2021, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3240/UBND-TH về triển khai thực hiện chế độ phòng, chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ, trong đó có nội dung dừng thực hiện Công văn số 1566/UBND-TH.
Thanh tra tỉnh Bình Phước cho biết, hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bình Phước đang xác minh tình hình mua sắm vật tư y tế, bộ sinh phẩm xét nghiệm trên địa bàn tỉnh Bình Phước theo Quyết định ủy thác số 13 của Bộ Công an; năm 2020 có đơn vị được Kiểm toán Nhà nước kiểm tra về mua sắm vật tư y tế; về test nhanh COVID-19 cũng được Tổ kiểm tra theo Quyết định số 2671/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra nên Đoàn thanh tra chỉ ghi nhận số liệu, không kiểm tra chi tiết nhằm tránh trùng lặp trong hoạt động thanh tra và vừa có số liệu báo cáo theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ.
Qua thanh tra cho thấy, phần lớn các gói thầu mua sắm thiết bị, vật tư y tế trong thời gian này đều áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu. Các gói thầu này được xác định là mua sắm trong trường hợp cấp bách, tuy nhiên công tác thực hiện thủ tục mua sắm lại không hợp lý. Cụ thể, khi xác định là cấp bách, thì chủ đầu tư cần phải lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện ngay gói thầu nhằm cung cấp kịp thời vật tư, thiết bị để phục vụ công tác phòng, chống dịch sau đó mới hoàn thiện thủ tục sau.
Trong thực tế, các chủ đầu tư, các cơ quan chuyên môn lại làm ngược lại là hoàn thiện thủ tục xong rồi mới ký hợp đồng với nhà thầu để họ cung cấp vật tư, thiết bị dẫn đến việc thời gian mua sắm kéo dài. Qua thống kê, thời gian kể từ thời điểm có nhu cầu cần mua sắm đến khi hoàn thiện xong thủ tục, tiến hành ký kết hợp đồng ở cấp tỉnh là từ 20-43 ngày; ở cấp huyện là từ 5-15 ngày.
Như vậy, giữa việc xác định là cấp bách nhằm mục đích thực hiện gói thầu theo hình thức chỉ định thầu với việc tổ chức thực hiện hoàn toàn mâu thuẫn nhau. Nếu là cấp bách thì phải mời ngay (chỉ trong khoảng 1-3 ngày) nhà thầu vào thực hiện gói thầu, sau đó mới hoàn thiện thủ tục thì thực tế là ngược lại.
Điều này cho thấy, việc xác định gói thầu thuộc trường hợp cấp bách là không phù hợp mà điển hình là gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona do Sở Y tế Bình Phước làm chủ đầu tư với giá trúng thầu là hơn 7,8 tỷ đồng có thời gian làm thủ tục là 41 ngày, thời gian thực hiện hợp đồng là 45 ngày (tổng thời gian từ lúc có nhu cầu đến lúc mua sắm xong là 86 ngày).
Đối với các đơn vị cấp tỉnh, trong thời gian từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2021 đã thực hiện 90 gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế với tổng số tiền gần 130 tỷ đồng (trong đó ngân sách là 121,5 tỷ đồng, nguồn vận động, tài trợ là 8,5 tỷ đồng); tại thời điểm thanh tra 2 đơn vị (Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - CDC) còn nợ 11 gói mua sắm chưa thanh toán với số tiền hơn 60,5 tỷ đồng.
Đối với việc mua sắm của CDC tỉnh Bình Phước, năm 2020 đã được Kiểm toán Nhà nước kiểm tra; năm 2021 thực hiện 18 gói mua sắm với số tiền gần 59,5 tỷ đồng (đã thanh toán 8 gói thầu, 8 gói chưa thanh toán).
Kinh phí thực hiện chống dịch của tỉnh Bình Phước trong 2 năm (2020-2021) là hơn 277,8 tỷ đồng, nguồn kinh phí thực hiện chủ yếu từ nguồn dự phòng ngân sách (gồm dự phòng cấp tỉnh hơn 128,2 tỷ đồng và cấp huyện hơn 140,2 tỷ đồng), nguồn huy động hơn 9,3 tỷ đồng. Kinh phí mua sắm được các đơn vị sử dụng hiệu quả, một số đơn vị thực hiện mua sắm thấp hơn hoặc bằng đơn giá đã được phê duyệt, không có đơn vị nào thực hiện mua sắm vượt định mức đã phê duyệt.
Thanh tra tỉnh Bình Phước đề nghị Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu đề xuất hướng xử lý đối với 11 gói thầu mua sắm vật tư, thiết bị và test nhanh do Bệnh viện Đa khoa tỉnh và CDC tỉnh còn nợ chưa thanh toán nhà cung cấp.
Chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh đề xuất hướng xử lý 3 gói thầu mua sắm thiết bị và sinh phẩm xét nghiệm do Bệnh viện còn nợ 19,5 tỷ đồng chưa thanh toán cho nhà cung cấp.
Chỉ đạo CDC tỉnh đề xuất hướng xử lý 8 gói thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm và test nhanh do CDC còn nợ số tiền hơn 41 tỷ đồng chưa thanh toán nhà cung cấp; rút kinh nghiệm và chấn chỉnh lại phương pháp lãnh đạo, điều hành hoạt động và công tác phối hợp giữa các phòng, ban chuyên môn của đơn vị theo quy định.