Dự kiến tuyến đường kết nối đường cao tốc (CT.07) vào thành phố Bắc Kạn dài khoảng 2,75 km, có điểm đầu tại ngã tư Trường Chinh - Phùng Chí Kiên - Kon Tum (thuộc địa phận phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn) và điểm cuối tại khoảng km2+750 giao với nút giao khoảng Km26+246 tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn (thuộc quy hoạch tuyến CT.07: Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng; thuộc địa phận xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn); có vận tốc thiết kế 50 km/h, nền đường rộng 58m.
Theo UBND tỉnh, thành phố Bắc Kạn với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, có vị trí chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đầu mối giao lưu với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Khu vực thành phố Bắc Kạn có tuyến Quốc lộ 3, Quốc lộ 3B, sắp tới là tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn và Bắc Kạn - Cao Bằng được đầu tư là những tuyến đường quan trọng mang tính huyết mạch của tỉnh kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Hà Nội, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn...
Dự án đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn (thuộc quy hoạch tuyến CT.07: Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng) đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư. Theo đó, Dự án có 4 nút giao liên thông, Bộ Giao thông Vận tải sẽ nghiên cứu thực hiện nút giao kết nối vào thành phố Bắc Kạn (qua đường trục đô thị) khi tuyến đường trục đô thị được đầu tư. Do vậy, để nút giao kết nối vào thành phố Bắc Kạn được triển khai đồng bộ, kết nối tuyến đường cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn vào trung tâm thành phố Bắc Kạn, phát huy hiệu quả cùng dự án đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn rất cần thiết phải đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường cao tốc (CT.07) vào thành phố Bắc Kạn.
Dự án sau khi hoàn thành góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống giao thông trong thành phố, đảm bảo kết nối tuyến đường CT.07 với trung tâm thành phố, tạo điều kiện phát triển quỹ đất cho việc mở rộng thành phố, cải thiện cảnh quan đô thị, tạo môi trường xanh sạch đẹp; đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng kỹ thuật, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của địa phương.
Tại kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh thông qua 21 nghị quyết quan trọng khác, như: Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh; nghị quyết quy định chức danh, chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh; 5 nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư; 2 nghị quyết về điều chỉnh chủ trương đầu tư; 4 Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung kinh phí sự nghiệp và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn; nghị quyết về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng; quyết định biên chế công chức, phê duyệt tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước và một số nội dung khác.
Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Kạn Phương Thị Thanh nhấn mạnh, trên cơ sở các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết của UBND tỉnh, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh, các vị đại biểu tập trung nghiên cứu, thảo luận, tham gia ý kiến và thống nhất thông qua 22 nghị quyết để kịp thời quyết định nội dung, cơ chế, chính sách, chủ trương đầu tư và phân bổ nguồn lực tổ chức thực hiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Các nghị quyết được kỳ họp thông qua có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để các cấp, ngành chủ động trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Kạn đề nghị, ngay sau kỳ họp, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp, sớm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả cao nhất. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, tổ chức chính trị xã hội thông tin tuyên truyền rộng rãi các Nghị quyết HĐND tỉnh ban hành nhất là chính sách đặc thù của địa phương đến cử tri nhằm tạo sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện.
Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, tổ đại biểu, các vị đại biểu HĐND tỉnh chủ động phổ biến, theo dõi, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai nghị quyết, chú trọng giám sát ngay từ đầu trong quá trình thực hiện, kịp thời kiến nghị giải pháp khắc phục bấp cập, khó khăn...