Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 19 - sự kiện thường niên quan trọng của trụ cột kinh tế ASEAN, với sự tham dự của 10 Bộ trưởng kinh tế ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN đã kết thúc ngày 8/3 tại Hà Nội. Tại hội nghị này, hai nghị định sửa đổi tạo thuận lợi cho đầu tư và thương mại trong nội khối đã được ký kết cùng với các sáng kiến quan trọng đã được đưa ra và thống nhất thực hiện nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực, tiến tới thiết lập cộng đồng kinh tế chung ASEAN vào năm 2015.
Tại hội nghị lần này, các bộ trưởng kinh tế của 10 nước ASEAN đã xem xét nhiều hơn các vấn đề quan trọng nhằm thúc đẩy việc xây dựng cộng đồng kinh tế chung (AEC) vào năm 2015. Cụ thể, các bộ trưởng đã đánh giá tình hình hợp tác kinh tế trong năm 2012, trên cơ sở đó xác định các định hướng hợp tác cụ thể về kinh tế trong năm 2013 nhằm xây dựng và thực hiện lộ trình xây dựng AEC vào năm 2015.
Các bộ trưởng đã xem xét một số sáng kiến trong khuôn khổ ASEAN về phát triển đồng đều, kết nối con người, kết nối thể chế của ASEAN bao gồm các sáng kiến về tăng cường khả năng cạnh tranh của ASEAN, tăng cường kết nối ASEAN với các đối tác, xây dựng mạng lưới kinh doanh ASEAN, xây dựng mạng lưới cho các doanh nhân ASEAN, cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ASEAN. Bên cạnh đó, các bộ trưởng đã thực hiện ký kết các văn kiện quan trọng gồm: Nghị định thư sửa đổi một số hiệp định kinh tế ASEAN liên quan đến thương mại hàng hóa và Nghị định thư sửa đổi Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN. Đặc biệt, các bộ trưởng đã xem xét một sáng kiến quan trọng, thể hiện vai trò trung tâm, dẫn dắt của các nước ASEAN trong việc hình thành nên cấu trúc kinh tế của khu vực. Đó là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với các tài liệu liên quan đến lộ trình đàm phán Hiệp định RCEP.
Tại hội nghị lần này, các bộ trưởng cũng dành nhiều thời gian thảo luận việc hỗ trợ doanh nghiệp bởi doanh nghiệp là những người trực tiếp thực hiện các thỏa thuận của ASEAN, là những người trực tiếp đem lại kết quả cuối cùng trong hợp tác kinh tế phát triển ASEAN. Theo đó, các bộ trưởng đã đạt được sự thống nhất cao trong các nội dung liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp như xây dựng mạng lưới kinh doanh ASEAN, xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao năng lực của doanh nghiệp trẻ.
Bổ sung thêm những vấn đề tồn tại mà ASEAN sẽ tiếp tục phải giải quyết trên con đường tiến tới thiết lập AEC vào năm 2015, Trưởng đoàn Mianma, ông Aung Naing Oo khẳng định: Cho đến nay, sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế giữa các nước ASEAN 6 và 4 nước CLMV là rất lớn, nên các nước ASEAN sẽ phải chung tay bên cạnh sự hỗ trợ của các đối tác để thu hẹp khoảng cách phát triển. Đây là thách thức thường trực đối với mục tiêu hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015.
Nguyễn Kim Anh