Chủ đề nhận được sự hưởng ứng tích cực của các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như cộng đồng quốc tế.
Đánh giá về chủ đề này, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, việc Việt Nam dành ưu tiên cho chủ đề khắc phục hậu quả bom mìn thể hiện sự cam kết toàn cầu; tin tưởng, công tác rà phá vật liệu nổ và khắc phục hậu quả chiến tranh có thể được giải quyết với sự tham gia tích cực của các thể chế khu vực và quốc gia.
Bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh, mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể trong khắc phục hậu quả bom mìn, nhưng tại Việt Nam, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh vẫn là mối hiểm nguy, với khoảng 20% diện tích đất ô nhiễm.
Ngày 4/4 được Liên hợp quốc và các quốc gia thành viên chọn làm “Ngày Quốc tế nhận thức về bom mìn” để tưởng nhớ các nạn nhân của bom mìn trên toàn cầu, trong đó có những người dân Việt Nam, đã tử nạn hoặc bị thương bởi vũ khí còn sót lại từ các cuộc chiến tranh. Ngày 4/4 cũng là ngày để tri ân những con người làm việc không mệt mỏi nhằm khắc phục những hậu quả tàn khốc sau chiến tranh.
UNDP tại Việt Nam cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam đã kêu gọi “Thập kỷ hành động bom mìn” nhằm mục tiêu đến năm 2030, loại bỏ mối đe dọa từ bom mìn đối với người dân Việt Nam, xóa bỏ hoàn toàn thương vong do vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, thông qua các dự án hợp tác với Việt Nam và các đối tác.
Bà Caitlin Wiesen cho rằng, khắc phục hậu quả bom mìn ở Việt Nam là một trong những ưu tiên hợp tác giữa Chính phủ và các đối tác phát triển. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành là động lực chính để đạt mục tiêu về việc Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi bom mìn vào năm 2030. Việt Nam, Hàn Quốc và UNDP đã thiết lập quan hệ đối tác ba bên chặt chẽ nhằm triển khai một dự án hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Trong khuôn khổ dự án này, hơn 16.880 ha đất đã được rà soát; 9.000 ha đất ô nhiễm bom mìn tại Quảng Bình và Bình Định đã được làm sạch, cung cấp thêm quỹ đất cho các dự án phát triển tại các tỉnh này.
Dự án đã hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu của 75.000 người khuyết tật, trong đó có 9.100 nạn nhân bom mìn. Ngoài ra, gần nửa triệu người, trong đó có trên 87.700 học sinh, được tham gia các lớp tập huấn phòng tránh nguy cơ thương vong trong các khu vực ô nhiễm bom mìn.
Đề cập tới sự tham gia của phụ nữ vào công tác khắc phục hậu quả bom mìn, bà Caitlin Wiesen khẳng định, cần có những thay đổi về tư duy để tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tham gia đầy đủ vào hoạt động này. Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn ở Việt Nam, cả trong vai trò lãnh đạo cũng như với tư cách là thành viên của các đội rà phá bom mìn.