Đoàn Việt Nam, do Phó Tổng kiểm toán Nhà nước Việt Nam Đoàn Xuân Tiên dẫn đầu, tham dự hội nghị.
Hội nghị chung ASOSAI - EUROSAI là diễn đàn được tổ chức định kỳ nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác phát triển giữa hai nhóm làm việc khu vực của INTOSA - một tổ chức tự chủ, bảo trợ cho cộng đồng các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trên thế giới, trong đó mục tiêu trọng tâm là tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và thông lệ tốt về chủ đề chuyên môn được các bên quan tâm và tìm kiếm những phương pháp, kỹ thuật kiểm toán mới tiên tiến hướng tới giải pháp hữu hiệu giải quyết thách thức chung trong khu vực và toàn cầu.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch thứ nhất EUROSAI, ông Miloslav Kala nhấn mạnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, những vấn đề mới nổi và tình trạng báo động liên tục phá vỡ cuộc sống và ảnh hưởng đến quốc gia và xã hội. Bên cạnh đó là những biến động sâu sắc trên toàn thế giới trong đó có sự sụp đổ của các quốc gia và chế độ cũng như những thách thức mới của các quốc gia và quốc tế. Sự kết nối toàn cầu hiện đang ngày càng sâu rộng khi số người sử dụng máy tính nối mạng liên tục tăng, kéo theo nguy cơ tấn công mạng đe dọa nền dân chủ các nước.
Cũng theo ông Kala, ngày nay, các nền kinh tế và cấu trúc xã hội đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, do đó, khó có thể đảm bảo các kế hoạch tài chính dài hạn hay bất cứ điều gì. Ông cho rằng chính những thay đổi này đang định hình lại xã hội và mối quan hệ giữa cá nhân, cộng đồng và nhà nước. Để duy trì sự phù hợp và hiệu quả, hội nghị lần này cần có những phản ứng nhanh chóng và đảm bảo việc sẵn sàng kiểm toán cũng như khả năng sẵn sàng của các nước nhằm đối phó với các khía cạnh khác nhau của các vấn đề mới nổi và tình trạng báo động hiện nay.
Trong bài phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước Việt Nam Đoàn Xuân Tiên cho biết với chủ đề “Những vấn đề mới nổi và tình trạng báo động”, hội nghị lần này đã thể hiện quyết tâm của hai tổ chức trong việc khẳng định vai trò của cơ quan kiểm toán tối cao đối với việc quản trị tốt ở cấp quốc gia và trên thế giới.
Trong bối cảnh các nước nâng cao hợp tác để cùng giải quyết các vấn đề toàn cầu trong đó có biến động về chính trị dẫn đến những thách thức về di dân và nhập cư, thảm họa thiên nhiên; cuộc cách mạng dữ liệu số dẫn đến những rủi ro về an ninh mạng và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong chương trình nghị sự Liên hợp quốc đến năm 2030, các cơ quan kiểm toán tối cao cần xây dựng chiến lược và phát triển các phương thức tiếp cận, kỹ thuật kiểm toán tiên tiến nhằm đảm bảo các quốc gia sẵn sàng giải quyết những thách thức trên.
Một trong những vấn đề trọng tâm mà ASOSAI quan tâm giải quyết trong thời gian tới là kiểm toán môi trường và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đây cũng là mục tiêu và cam kết mạnh mẽ của cộng đồng ASOSAI đối với mỗi quốc gia thành viên, khu vực và thế giới được nêu trong Tuyên bố Hà Nội thông qua tại Đại hội ASOSAI lần thứ 14 tổ chức tháng 9/2018 tại Hà Nội.
Cũng theo Phó Tổng kiểm toán Nhà nước Việt Nam, các bài tham luận tại hội nghị lần này của các SAI, ngoài vấn đề kiểm toán môi trường, còn tập trung việc kiểm toán các vấn đề phát triển bền vững. Các đại biểu cũng tập trung thảo luận các nội dung trong đó có già hóa dân số, an ninh mạng, thách thức trong vấn đề về môi trường đặc biệt vấn đề ô nhiễm môi trường, cũng như chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm về vấn đề sử dụng chất thải. Đơn cử như Israel đã tạo ra một cuộc cách mạng bằng việc tái chế nước thải và họ đã tiết kiệm chi phi về nước lên tới 60% hay vấn đề phát triển trong nông nghiệp cũng như công nghệ cao.
Tại hội nghị lần này, Việt Nam tham gia với tư cách là Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021. Tháng 12/2018, Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASOSAI đã phối hợp cùng các SAI trong ban điều hành xây dựng một chương trình hành động thực hiện Tuyên bố Hà Nội trong Đại hội ASOASAI lần thứ 14 tổ chức tại Hà Nội. Việt Nam đã ký với 46 SAI thành viên của ASOSAI thực hiện vấn đề kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững.
Các đại biểu tham dự hội nghị cũng đề cập đến thách thức của nền kinh phụ thuộc vào công nghệ. Giáo sư Eugene Kandel, Giám đốc điều hành công ty Start-Up Nation Central của Israel, nhắc tới xu hướng toàn cầu hóa cũng như những nền kinh tế mới nổi và những tác động của nó liên quan đến các vấn đề như già hóa dân số do giảm tỷ lệ sinh ở các nước phát triển, cũng như việc gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, và ô nhiễm môi trường, tỷ lệ tầng lớp người giàu có tăng, khan hiếm tài nguyên thiên nhiên, sự thiếu hụt lao động có tay nghề. Theo ông, tất cả điều này đều tác động trực tiếp đến đời sống xã hội.
Theo các đại biểu, hội nghị lần này đã mang lại một cơ hội thú vị nhằm chia sẻ kiến thức giữa các nhà kiểm toán từ hai khu vực châu Á và châu Âu. Đây là cơ hội đặc biệt để các bên có thể học hỏi từ những chuyên gia hàng đầu về những thách thức khác nhau mà hai châu lục cần phải giải quyết khi gặp phải các vấn đề mới nổi và tình trạng báo động, qua đó có được những thực tiễn kiểm toán tốt nhất.
Theo kế hoạch, hội nghị chung kiểm toán Á - Âu lần 3 sẽ kéo dài đến ngày 14/3.