Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng.
Dự hội nghị tại các điểm cầu Trung ương và các điểm cầu trong toàn quốc có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, các Tỉnh ủy, Thành ủy, Ban cán sự đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội của Trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo Liên hiệp hội, hội chuyên ngành về văn hóa nghệ thuật của Trung ương, nhà khoa học, nhà văn hóa, trí thức văn nghệ sĩ tiêu biểu.
Như vậy là 75 năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946), Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 có một ý nghĩa rất quan trọng, nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc để bước sang một thời kỳ mới, tập trung phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội nghị là diễn đàn để lắng nghe và là dịp cổ vũ, động viên các các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Trước khi diễn ra Hội nghị, các đại biểu đã tham quan, nghe giới thiệu về Triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Với sự chuẩn bị công phu, chu đáo, triển lãm quy tụ 320 tác phẩm ảnh nghệ thuật tiêu biểu; 123 tài liệu hiện vật quý hiếm được trưng bày theo 6 chuyên đề theo dòng chảy văn hóa Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại.
Trong đó có nhiều hiện vật quý được giới thiệu tới người xem như: tạp chí Tiên Phong của Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam - Hà Nội số ra ngày 10-11-1945 trong đó có đăng Đề cương Văn hóa Việt Nam của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Sách Một nền văn hóa mới in bài viết của hai tác giả Nguyễn Hữu Đang và Nguyễn Đình Thi giới thiệu về tình hình, triển vọng của văn hóa Việt Nam dưới thời Pháp thuộc và chương trình kiến thiết một nền văn hóa Việt Nam mới trong tương lai in lần thứ hai năm 1945.
Những nhạc cụ tự chế của bộ đội Cụ Hồ để phục vụ các chiến sĩ nơi chiến trường được trưng bày cho thấy văn hóa văn nghệ luôn được sử dụng như một vũ khí tinh thần mạnh mẽ đồng hành cùng dân tộc trong những cuộc chiến tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc.
Nhiều hiện vật về Bác như bộ sưu tập thiệp chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tượng Chân dung Bác Hồ của nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim sáng tác năm 1946, đôi guốc mộc, bộ quần áo nâu cho thấy sự giản dị của Bác Hồ - một nếp văn hóa đẹp.
Nghị quyết của UNESCO (năm 1987) tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, đĩa hát do bộ trưởng Bộ Văn hóa Liên Xô tặng Bác Hồ…
TTXVN tiếp tục cập nhật thông tin Hội nghị.