Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu; Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP Hồ Chí Minh Trần Kim Yến; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ chủ trì kỳ họp.
Mở đầu cho kỳ họp, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã báo cáo kết quả thực hiện chủ đề năm 2022 “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”; Báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh trong năm 2022...
Theo bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2022 đến nay, cùng với cả nước, TP Hồ Chí Minh đã phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, sáng tạo, nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Kết quả, thu ngân sách nhà nước năm 2022 ước đạt 457.500 tỷ đồng, bằng 118,35% dự toán được giao và tăng 17,05% so với cùng kỳ; trong đó thu nội địa ước đạt 294.500 tỷ đồng. Tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 9,03%; thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đã đạt hơn 141 triệu đồng; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt gần 120 tỷ USD.
“Có thể khẳng định, những thành tựu thành phố đạt được có ý nghĩa không chỉ đối với thành phố mà tác động quan trọng đến phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Tuy nhiên, dù gặt hái được nhiều kết quả quan trọng nhưng theo dự báo, bước sang năm 2023, thành phố tiếp tục phải đối mặt với không ít thách thức, có thể làm chậm lại quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, kỳ họp này UBND TP Hồ Chí Minh cũng trình các đại biểu HDND các giải pháp quan trọng liên quan đến việc phát triển kinh tế xã hội của TP Hồ Chí Minh", bà Phan Thị Thắng cho biết thêm.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh, đây là kỳ họp thường lệ cuối năm 2022 để xem xét đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh của TP Hồ Chí Minh năm 2022 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2023. Dự kiến kỳ họp sẽ diễn ra trong 3 ngày.
Các nội dung chính của kỳ họp này gồm: Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh sẽ thông báo về hoạt động tham gia xây dựng chính quyền thành phố năm 2022; các Ban của HĐND TP Hồ Chí Minh báo cáo thẩm tra các tờ trình của UBND; báo cáo của Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố…
Kỳ họp cũng sẽ có các buổi thảo luận trực tiếp tại hội trường; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với các sở, ban, ngành, quận và UBND TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, các đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định các nội dung như: tập trung đánh giá khách quan, toàn diện tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng an ninh năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023; tập trung thảo luận, xem xét thông qua các Nghị quyết liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, đô thị, văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, biên chế - tổ chức trong những năm tới như: tình hình kinh tế xã hội năm 2022, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2023; ước thực hiện thu chi ngân sách năm 2022 và dự toán thu chi ngân sách năm 2023; về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn ngân sách địa phương; kế hoạch đầu tư công năm 2023 về một số dự án cấp bách của thành phố…
Theo bà Nguyễn Thị Lệ, những nghị quyết được thông qua tại kỳ họp lần này đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và nhiều năm tới, tác động trực tiếp đến đời sống của người dân thành phố. Vì vậy, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ để có những ý kiến đóng góp sâu sắc, chất lượng cho từng nội dung, giúp cho HĐND Thành phố có cơ sở thông qua những nghị quyết bảo đảm đúng quy định của pháp luật, khả năng thực thi cao, sát với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và với tình hình thực tế của địa phương, cũng như nguyện vọng, mong muốn của đồng bào, cử tri Thành phố trong tình hình mới.
Theo HĐND TP Hồ Chí Minh, để chuẩn bị cho kỳ họp, từ ngày 10/11 - 29/11, 24 Tổ đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh đã tiếp xúc cử tri tại địa phương ứng cử; qua tổng hợp ghi nhận có hơn 6.000 cử tri tham dự với hơn 220 lượt cử tri tham gia phát biểu… Các kiến nghị của cử tri tiếp tục tập trung về công tác quản lý đô thị, cơ sở hạ tầng của TP Hồ Chí Minh liên quan vấn đề quy hoạch, thực hiện dự án, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất; tiến độ thi công các công trình, dự án trên địa bàn; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân đã mua và ở tại các dự án; việc điều tiết giao thông; việc quản lý nhà chung cư; sự khan hiếm thuốc chữa bệnh và thiếu thốn vật tư y tế tại các bệnh viện; tình hình lao động và việc làm trước Tết Nguyên đán; tình hình bán lẻ xăng dầu; việc thu hút vốn đầu tư thông qua phát hành trái phiếu của các công ty bất động sản; tình hình tăng lãi suất cho vay của các ngân hàng; công tác phòng, chống tham nhũng…