Chủ trì và phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đây là phiên họp thường kỳ đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2024 với nội dung trọng tâm là cho ý kiến các nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội, dự kiến khai mạc vào ngày 15/1 tới.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong 1,5 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về một số nội dung.
Đề cập đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là dự án Luật rất quan trọng, có tác động sâu rộng đến mọi mặt kinh tế - xã hội, mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, cả trước mắt và lâu dài. Cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng và công phu, xin ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học qua nhiều vòng, nhiều lần, đã tổ chức lấy ý kiến đông đảo nhân dân với hơn 12 triệu lượt ý kiến tham gia.
Trước đó, Quốc hội khóa XV đã cho ý kiến tại 3 kỳ họp, 5 lần Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp chính thức, cho ý kiến, thông báo kết luận bằng văn bản. Đến nay, dự án Luật đã cơ bản được hoàn thiện, đã thể chế hóa, bao quát được tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; bám sát tinh thần Hiến pháp, Cương lĩnh của Đảng và hệ thống pháp luật hiện hành. Dự án Luật đáng lẽ được xem xét thông qua tại Kỳ họp 6, nhưng do có một số vấn đề còn ý kiến khác nhau và để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh thời gian, xem xét tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 tới đây.
Với hồ sơ chuẩn bị cho đến nay, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về những vấn đề gồm: Thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở thương mại, dịch vụ; Phương pháp định giá đất, thẩm quyền, trách nhiệm lựa chọn phương pháp định giá đất; Dự án tạo quỹ đất, quỹ phát triển đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là dự án Luật quan trọng, có tính chuyên môn cao, tác động sâu rộng tới các đối tượng, liên quan trực tiếp đến an ninh, an toàn hệ thống tài chính tiền tệ quốc gia. Quốc hội đã 2 lần cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội cũng cho ý kiến nhiều lần, chỉ đạo cụ thể qua nhiều cuộc họp.
Để đảm bảo dự án Luật được thông qua với chất lượng tốt nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng và ngân hàng thời gian tới đây, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung phân tích, cho ý kiến hoàn thiện thêm một số vấn đề về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt.
Ngoài ra, cần rà soát về một số nội dung như: giải quyết sở hữu chéo, quy định chuyển tiếp, xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm... trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; xem xét việc giải thích quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét nội dung liên quan tài chính, ngân sách gồm: Việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV và xem xét công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.
Nhấn mạnh thời gian họp không dài, nhiều nội dung khó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung nghiên cứu, cho ý kiến để phiên họp đầu năm có chất lượng cao nhất.