Khẩn cấp đối phó với diễn biến hạn mặn phức tạp ở Tiền Giang

Chiều tối 11/12, UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức cuộc họp khẩn các ban, ngành, địa phương trong tỉnh, bàn những giải pháp cấp bách để đối phó hữu hiệu trước tình hình hạn mặn diễn biến phức tạp, xâm nhập sớm và sâu về hướng thượng lưu sông Tiền, đe dọa các vùng sản xuất trọng điểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống, sản xuất của người dân.

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng phát biểu chỉ đạo tại buổi họp. Ảnh: Nam Thái/TTXVN

Tại buổi họp, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng cho biết, diễn biến hạn mặn trong mùa khô 2019 - 2020 phức tạp và nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống đối với địa phương nằm ở hạ lưu sông Tiền. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt là Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh lãnh đạo tốt công tác phòng, chống hạn mặn với những giải pháp đối phó thích hợp và hữu hiệu trên tinh thần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; kiên quyết không để thiên tai gây ra thiệt hại cho sản xuất, đời sống người dân, tạo niềm tin của nhân dân đối với các chủ trương, biện pháp ứng phó tích cực và chủ động của chính quyền các cấp.

Trước mắt, đối với vùng dự án ngọt hóa Gò Công nằm về duyên hải phía Đông tỉnh Tiền Giang, cần kiên quyết không cho nông dân xuống giống trễ so với lịch thời vụ tập trung; khuyến khích bà con mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phòng tránh hạn mặn; đồng thời, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho diện tích đã xuống giống, cây màu và cây ăn trái trong vùng dự án; giải quyết tốt nước sinh hoạt cho nhân dân những địa bàn khó khăn, ngoài đê bao ngăn mặn, ven sông, ven biển…

Các huyện phía Tây nằm ở thượng lưu sông Tiền cần triển khai ngay các biện pháp phòng chống xâm nhập mặn, bảo vệ các vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản có giá trị kinh tế cao, như: vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim ở huyện Châu Thành, sầu riêng ở huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy, dứa (khóm) ở Tân Phước, xoài cát Hòa Lộc và cây có múi ở huyện Cái Bè… Trong đó, các địa phương chú trọng tuyên truyền, thông tin cập nhật diễn biến xâm nhập mặn và giải pháp ứng phó để nhân dân biết và tích cực đề phòng.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang) Nguyễn Thiện Pháp, trong năm 2019, mùa mưa đến chậm và dứt sớm. Hiện tại, mực nước đầu nguồn sông Tiền đang ở mức thấp. Tổng lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Kông về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm và thấp hơn rất nhiều so với năm 2015.

Do vậy, tình hình khô hạn, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt tại Tiền Giang dự báo trong mùa khô năm 2019 - 2020 sẽ rất cao và nghiêm trọng. Ông Nguyễn Thiện Pháp cho biết, hiện cống đầu mối lấy nước ngọt cho toàn vùng dự án ngọt hóa Gò Công là cống Xuân Hòa đã phải đóng do bên ngoài độ mặn đang tăng cao, trong khi thời điểm này nông dân trong nội đồng đang vào vụ sản xuất Đông Xuân 2019 - 2020, nên nhu cầu nước bơm tưới rất lớn.

Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Tiền Giang Võ Văn Thông cho biết, trong ngày 11/12, nước mặn trên sông Tiền đã vượt qua thành phố Mỹ Tho và lên đến Bình Đức (Châu Thành), cách vàm Cửa Tiểu khoảng 60 km, sớm hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, độ mặn đo được trên sông Tiền tại thành phố Mỹ Tho là 2,13 gr/lít và tại Bình Đức (Châu Thành) cách thành phố Mỹ Tho khoảng 10 km về thượng lưu là 0,47 gr/lít.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Tiền Giang đã xây dựng phương án phòng chống hạn mặn; trong đó, giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thường xuyên theo dõi, phối hợp với các ngành, đoàn thể hữu quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các địa bàn trọng điểm. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang chịu trách nhiệm tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi; đồng thời, có kế hoạch vận hành hệ thống cống đập ngăn mặn, lấy ngọt hợp lý phục vụ sản xuất, đời sống. Bên cạnh đó, công ty phối hợp với các địa phương nâng cao hiệu quả phòng chống hạn mặn, kiên quyết không để thiên tai gây thiệt hại cho sản xuất, đời sống nhân dân, bảo vệ tuyệt đối các vùng sản xuất chuyên canh như: vùng lúa năng suất cao, vùng trồng rau màu, vùng trồng cây ăn quả đặc sản…

Minh Trí (TTXVN)
Phòng, chống hạn mặn mùa khô ở Kiên Giang
Phòng, chống hạn mặn mùa khô ở Kiên Giang

Tỉnh Kiên Giang triển khai đồng bộ các giải pháp chủ động phòng, chống hạn, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp mùa khô 2019 - 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN