Tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Ninh Cơ, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định để tránh bão. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN |
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã yêu cầu Giám đốc các sở, thủ trưởng các đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu; theo dõi, kiểm đếm nắm bắt tình hình tàu thuyền trên biển, thông báo để các chủ phương tiện biết hướng đi, diễn biến của bão; kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh, trú an toàn; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý các tình huống xấu.
Ngành nông nghiệp tỉnh, các địa phương đóng các cống tưới, mở các cống tiêu, bằng mọi biện pháp triệt tiêu nước đề phòng mưa lớn gây ngập úng lúa, hoa màu, nhất là các vùng trũng, thấp. Công tác thông tin, tuyên truyền về diễn biến của bão và sự chỉ đạo của các cấp, ngành cũng được tỉnh Thái bình chỉ đạo tăng cường trên hệ thống thông tin truyền thanh, truyền hình để người dân nắm bắt, chủ động phòng tránh, không để xảy ra tư tưởng coi nhẹ, chủ quan.
UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu lãnh đạo các sở, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng và xử lý kịp thời các tình huống, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định đã có công điện yêu cầu, các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và tình hình mưa, lũ để cảnh báo kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân ở vùng ven sông, khu vực trũng thấp, có nguy cơ sạt lở đất biết để chủ động ứng phó.
Các địa phương phối hợp với Bộ đội Biên phòng khẩn trương thông tin cho các chủ phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển chủ động thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, tìm nơi tránh trú an toàn; quản lý chặt chẽ số lượng tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xảy ra.
Các huyện, thành phố tập trung tiêu rút nước đệm, nhất là những vùng trũng thấp, chuẩn bị các phương tiện bơm điện, bơm dầu, tôn cao bờ vùng, bờ thửa để chủ động chống úng cho diện tích lúa mới cấy đang chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 1 và bảo vệ các vùng nuôi trồng thủy sản.
Cùng với đó, các địa phương khẩn trương tổ chức kiểm tra hiện trạng, gia cố hệ thống đê điều và các công trình phòng, chống thiên tai; tăng cường tuần tra, canh gác, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện, sẵn sàng xử lý các sự cố đê điều, nhất là tại 20 đoạn đê kè ở các huyện Mỹ Lộc, Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy, Nghĩa Hưng và Ý Yên bị sụt, sập, hư hỏng trong cơn bão số 1.
Trong cơn bão số 1 vừa qua, Nam Định có 8 người bị thương. Ước tính tổng thiệt hại toàn tỉnh trên 3.100 tỷ đồng. 75.955 ha trong tổng số 77.800 ha lúa mùa tại Nam Định bị ngập, gần 8.200 ha hoa màu bị dập nát; trên 500 lều, chòi bị tốc mái; hơn 1.700 ha nuôi ngao và trên 3.400 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng...
Đại tá Hoàng Minh Luyện, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Phó Chánh văn phòng Thường trực tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho biết, tính đến 15 giờ ngày 17/8 còn 1.064 phương tiện tàu, thuyền với 2.425 lao động là ngư dân Thanh Hóa vẫn đang hoạt động đánh bắt trên biển...; trong đó hoạt động gần bờ trong tỉnh có 948 phương tiện với 1.612 lao động, hoạt động các vùng biển tỉnh ngoài có 116 phương tiện với 813 lao động. Chiều 17/8, tất cả các phương tiện đều giữ liên lạc bình thường với bờ và đang khẩn trương tìm nơi tránh trú an toàn.