Tham gia đoàn công tác có Thượng tướng Trần Việt Khoa, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng; lãnh đạo, đại diện các bộ, ngành Trung ương.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang: Những năm qua, việc quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) trên địa bàn tỉnh được thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả quan trọng. Tỉnh ủy Hà Giang đã chỉ đạo 100% cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc tổ chức cho cán bộ, đảng viên và các lực lượng vũ trang nghiên cứu, quán triệt những nội dung cơ bản của Nghị quyết. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp, giải pháp trọng tâm về công tác xây dựng Đảng.
Cụ thể hóa thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về công tác xây dựng Đảng. Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị đề ra. Công tác kiểm tra, giám sát và dân vận được tăng cường; kịp thời phát hiện, xử lý hiệu quả các vấn đề phức tạp trong nội bộ cũng như trong quần chúng nhân dân, không để tồn đọng kéo dài thành “điểm nóng”.
Công tác phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng-an ninh, giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân đạt khoảng 6,8%, đạt mức khá so với các tỉnh trong khu vực. Hà Giang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thường xuyên quan tâm đầu tư hạ tầng đô thị, hệ thống cấp nước sinh hoạt, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh, bảo đảm 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội và phục vụ nhiệm vụ quốc phòng-an ninh.
Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh khoa học công nghệ, hình thành vùng sản xuất tập trung và liên kết trong sản xuất, chế biến tiêu thụ sản xuất; tốc độ tăng trưởng nông nghiệp bình quân đạt 4,5%, an ninh lương thực được bảo đảm.
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới. Đến nay, Hà Giang đã có 47 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó thành phố Hà Giang đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Chương trình phát triển kinh tế biên mậu được quan tâm, đầu tư. Doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân có bước phát triển cả về số lượng và hiệu quả kinh doanh. Hà Giang đã thu hút được một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào địa bàn như VinGroup, TH Truemilk, FLC…
Những kết quả đạt được đã tạo nên sức mạnh tổng hợp để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn khảo sát đã dành nhiều thời gian trao đổi nắm bắt tình hình, kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI); ghi nhận các hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện… qua đó góp phần làm cơ sở xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) để trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh nêu rõ: Hà Giang là tỉnh biên giới cực Bắc của Tổ quốc có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh. Những năm qua, Tỉnh ủy Hà Giang nhận thức sâu sắc về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã triển khai sâu rộng và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI).
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Hà Giang, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh đề nghị Trung ương Đảng, Chính phủ: Hàng năm cần tăng định mức phân bổ ngân sách cho tỉnh để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các hạng mục công trình quốc phòng - an ninh. Cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mìn, vật liệu nổ, quy tập hài cốt liệt sỹ trên tuyến biên giới, qua đó tạo quỹ đất cho nhân dân sản xuất, xóa đói giảm nghèo.
Triển khai xây dựng các tuyến đường vành đai phục vụ nhiệm vụ tuần tra biên giới. Quan tâm đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội cho Hà Giang, nhất là các huyện vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cần quan tâm nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật cho lực lượng quân sự, công an địa phương. Có cơ chế đặc thù tuyển chọn, đào tạo cán bộ từ các lớp thiếu sinh quân quân đội, công an, biên phòng cho con em các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Giang đối với việc xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân.
Thứ trưởng Lương Tam Quang yêu cầu, để thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI), Tỉnh ủy Hà Giang cần xác định rõ mục tiêu, quan điểm, phương châm chỉ đạo, trong đó tập trung vào 6 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm mà Nghị quyết đã xác định. Đồng thời khắc phục các hạn chế, bất cập bảo đảm phù hợp với điều kiện của địa phương.
Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang tiếp tục khơi dậy, phát huy truyền thống cách mạng của địa phương, nâng cao nhận thức và hành động của cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể và nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh. Bảo đảm chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số. Huy động mọi nguồn lực để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trong tình hình mới.