Nỗ lực tăng năng suất lao động
Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, năng suất lao động thấp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc phục hồi nền kinh tế sau đại dịch gặp nhiều khó khăn. Lý giải về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam đang thiếu hụt lao động lành nghề có kỹ năng cao; thành phần kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng lớn nhưng hầu hết quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên khó có thể nâng cao năng suất lao động trong lĩnh vực này.
Mặc dù các chính sách của Nhà nước đều tập trung vào tái cơ cấu nền kinh tế đã tác động tích cực đến tăng năng suất ở Việt Nam nhưng năng suất nội ngành chưa đạt được như kỳ vọng, các ngành đóng góp cao vào GDP và sử dụng lao động cao nhưng mức năng suất còn thấp, tốc độ tăng trưởng chưa đạt như mong muốn…
Thời gian qua, có nhiều chính sách lớn của Đảng, Nhà nước trong thúc đẩy nâng cao năng suất lao động của Việt Nam, như đổi mới mô hình tăng trưởng, giải quyết thủ tục hành chính, đổi mới khoa học công nghệ sáng tạo. Tuy nhiên, quá trình thực thi chính sách còn chậm; các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa có sự tham gia tích cực từ phía doanh nghiệp.
Tiến sĩ Nguyễn Lê Hoa (Viện Năng suất Việt Nam) cho rằng, thời gian tới, các hoạt động thúc đẩy nâng cao năng suất lao động Việt Nam cần được triển khai mạnh mẽ hơn. Trong đó, tập trung vào liên kết phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để xây dựng chính sách đồng bộ và xuyên suốt; tạo điều kiện thúc đẩy nguồn lực và để khu vực kinh tế tư nhân phát huy vai trò tăng năng suất lao động; tăng năng lực thực thi chính sách thúc đẩy năng suất, tập trung vào ngành đóng góp giá trị gia tăng cao và sử dụng nhiều lao động.
Ông Felix Weidencaff, Chuyên gia về Việc làm, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, muốn tăng năng suất và việc làm bền vững cần đặc biệt tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì “họ vừa là người chơi chính trong nền kinh tế song cũng dễ bị tổn thương bởi các cú sốc”. Theo đó, chuyển đổi, phát triển kinh tế bền vững và chuyển đổi việc làm, tăng năng suất lao động cần đi đôi với nhau. Bên cạnh đó, cần hoàn thể chế và chính sách của thị trường lao động để giải quyết những thách thức kép đặt ra; đồng thời, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường việc làm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế tri thức, công nghệ và công nghiệp 4.0; thay đổi bản chất của thất nghiệp và những thách thức mới; thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động hiệu quả…
Giữ vững niềm tin cho doanh nghiệp
Đánh giá cao vai trò của kinh tế tư nhân, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân là lực lượng quan trọng đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội cũng như tạo ra phần lớn việc làm cho người lao động. Kinh tế tư nhân đóng góp khoảng gần 50% GDP của cả nước. Theo ông Nguyễn Đình Cung, hiện kinh tế tư nhân gặp một số khó khăn từ bên ngoài và nội tại.
Khó khăn từ bên ngoài là mức độ, năng lực hội nhập khu vực kinh tế tư nhân còn hạn chế. Đầu tư của kinh tế tư nhân ra nước ngoài còn thấp. Gần như công nghiệp chế biến, chế tạo là do doanh nghiệp nước ngoài thực hiện bởi doanh nghiệp trong nước còn chưa chế tạo được nhiều nên không tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Về mặt chính sách, tuy đã có nhiều cải cách nhưng hiện nay, doanh nghiệp tư nhân khó tiếp cận được nguồn lực cũng như khó huy động nguồn vốn cho nên họ khó thể phát triển được để dẫn dắt được chuỗi giá trị sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tư nhân còn cảm thấy lo ngại, chưa yên tâm trong sản xuất, kinh doanh hoặc sợ làm sai khi những quy định trong các luật, nghị quyết, thông tư còn chồng chéo, chưa thống nhất...
Có những doanh nghiệp không chống chịu được với thị trường nên phải bỏ cuộc nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng mua lại, hoặc sát nhập nhiều đơn vị lại để duy trì. Trước bối cảnh đó, theo ông Cung, các chính sách cần thân thiện bằng cách giảm lãi suất, phí, thuế giúp cho doanh nghiệp bớt đi một phần gánh nặng để có thể tồn tại.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nên tạo điều kiện hạn chế những rào cản về mặt thủ tục, pháp lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có thể tự do nuôi hy vọng biến "nguy" thành "cơ". Từ đó tạo ra niềm tin vững chắc cho các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực, phấn đấu với mong muốn tương lai sẽ sáng hơn. “Khi doanh nghiệp giữ vững được niềm tin thì nền kinh tế của chúng ta mới có thể phục hồi nhanh chóng”, đại biểu nhấn mạnh.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, về lâu dài, để khôi phục nền kinh tế vẫn còn nhiều việc phải làm nhưng một trong những yếu tố quan trọng là phải khích lệ được tinh thần đổi mới sáng tạo; đồng thời lưu ý, đầu tư kinh doanh phải an toàn, và bảo vệ được lợi ích của doanh nghiệp một cách chắc chắn.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, nguồn lực không được đầu tư vào sản xuất kinh doanh là nguồn lực “chết”. Nhân tài, trí tuệ không được sử dụng vào sản xuất kinh doanh là nguồn lực “chết”. Để phát huy hết nguồn lực và trí lực vào sản xuất kinh doanh cũng như sự phát triển kinh tế, các cơ quan nhà nước, bộ, ngành cần có một thể chế, chính sách minh bạch, đủ hấp dẫn để có sự bổ sung, thay đổi cho phù hợp với thực tế…
Để chính sách bao phủ được đối tượng thực sự cần hỗ trợ, theo các đại biểu cần "tinh chỉnh" chính sách theo quy mô và ngành nghề. Theo đó, đưa ra chính sách hỗ trợ về tín dụng phù hợp hơn với đặc điểm của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước; tập trung hỗ trợ những ngành, khu vực có độ lan tỏa đến các ngành, khu vực khác của nền kinh tế để sử dụng hiệu quả nhất trong quá trình khôi phục tổng cầu hiện nay.