Đây là thông tin được ông Phan Anh Sơn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới, chia sẻ tại buổi họp báo cung cấp thông tin sự kiện trên, diễn ra sáng 18/11, tại Hà Nội.
Theo ông Phan Anh Sơn, được sự chấp thuận của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ phối hợp với Ủy ban Hòa bình Việt Nam, Ban Chấp hành Hội đồng Hòa bình thế giới tổ chức Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới tại Hà Nội và Quảng Ninh. Đây là kỳ đại hội đầu tiên của Hội đồng Hòa bình thế giới được tổ chức tại Việt Nam.
Theo Trưởng ban Tổ chức Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới, đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho Đại hội đã tương đối chu đáo, đạt được tiến độ đúng như kế hoạch đã đặt ra.
Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới được tổ chức ở Việt Nam là sự kiện nhằm triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII, Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 và Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 5/1/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới. Sự kiện này cũng cho thấy đóng góp tích cực của Việt Nam đối với các hoạt động của Hội đồng nói riêng và phong trào hòa bình thế giới nói chung; đồng thời nâng cao vai trò, vị trí của Việt Nam nói chung, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Ủy ban Hòa bình Việt Nam nói riêng, trong phong trào hòa bình thế giới, thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, tích cực của cộng đồng quốc tế.
Thêm vào đó, Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới cũng là dịp để tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Ủy ban Hòa bình Việt Nam với Hội đồng và các thành viên khác của Hội đồng Hòa bình thế giới; thúc đẩy tuyên truyền, quảng bá về Việt Nam và phong trào hòa bình Việt Nam; tranh thủ sự ủng hộ của Hội đồng và các thành viên đối với các vấn đề phù hợp với lợi ích của ta như Biển Đông, nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Hội đồng Hòa bình thế giới là cơ quan lãnh đạo phong trào hòa bình thế giới có cơ cấu quốc tế lớn nhất hiện nay, với 135 tổ chức thuộc các đảng cộng sản và cánh tả thuộc trên 100 quốc gia. Xuất phát từ phong trào quần chúng quốc tế chống đế quốc, trải qua hơn 70 năm phát triển, Hội đồng đã trở thành một bộ phận cấu thành phong trào hòa bình thế giới, hợp tác chặt chẽ với các phong trào quốc tế và các quốc gia khác, nhằm mục tiêu thúc đẩy nền hòa bình chung của nhân loại.
Ngay từ đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã thấy rõ vai trò quan trọng của Hội đồng Hòa bình thế giới vì sự cần thiết kết nối Việt Nam với tổ chức quốc tế này. Việt Nam là một trong những nước tham gia sáng lập Hội đồng Hòa bình thế giới. Ta đã cử 11 đại biểu Việt Nam tham gia Đại hội thành lập Hội đồng Hòa bình thế giới năm 1949, trong đó có giáo sư Phạm Huy Thông và nhà toán học Lê Văn Thiêm.
Hơn 7 thập kỷ qua, trải qua 21 kỳ Đại hội, Hội đồng Hòa bình thế giới đã luôn đồng hành cùng Việt Nam, đoàn kết và ủng hộ Việt Nam trong mọi giai đoạn lịch sử, từ cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, cho đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Việt Nam cũng luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm của Hội đồng Hòa bình thế giới, được tín nhiệm bầu giữ vị trí Phó Chủ tịch và thành viên Ban Thư ký của Hội đồng trong nhiều nhiệm kỳ qua.
Gần đây nhất, năm 2017, Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công hội nghị Ban Chấp hành của Hội đồng tại Hà Nội, đồng thời nhân dịp đó ta đã cùng Hội đồng Hòa bình thế giới tổ chức kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga.