Trong đó, nổi bật là các hoạt động về nguồn tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử, địa bàn hoạt động cách mạng tiêu biểu trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm được tổ chức thường xuyên với nhiều nội dung mang ý nghĩa thiết thực.
Tham gia cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước và trên 200 lãnh đạo, cán bộ, đoàn viên thanh niên của các huyện, thành phố trong tỉnh Kiên Giang thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ các Anh hùng Liệt sĩ, Thanh niên xung phong huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang nhân sự kiện khánh thành đền thờ (ngày 27/4/2024), chị Phạm Thị Ngoan, Phó Bí thư Huyện Đoàn Giang Thành chia sẻ, bản thân rất xúc động và hết sức tự hào về truyền thống cách mạng của các thế hệ cha ông, đặc biệt là những Thanh niên xung phong đã anh dũng chiến đấu, hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.
Trước đây, Huyện đoàn thường tổ chức cho đoàn viên thanh niên đến dọn dẹp vệ sinh, viếng Nghĩa trang Liệt sĩ và Bia tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ, Thanh niên xung phong trong các dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sỹ (27/7), Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), Ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26/3). Bên cạnh dâng hương, dâng hoa, báo công của tuổi trẻ huyện nhà, Huyện đoàn còn tổ chức các buổi gặp gỡ một số lão thành cách mạng, nguyên lãnh đạo đoàn để được nghe kể những câu chuyện về tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
Nhờ được cấp trên quan tâm đầu tư xây dựng, Đền thờ các Anh hùng Liệt sĩ, Thanh niên xung phong giờ đã khang trang và có rất nhiều hiện vật, chiến tích được trưng bày. Đây là điều kiện rất tốt để các cấp bộ đoàn tổ chức cho đoàn viên, thanh niên đến tham quan, tìm hiểu, qua đó khơi dậy niềm tự hào, lòng yêu nước trong các bạn trẻ, chị Ngoan cho biết.
Trước đó, vào ngày mùng 10/3, Âm lịch, tại Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương, các cấp đoàn trong tỉnh cũng tổ chức cho hơn 300 cán bộ đoàn, đoàn viên thanh niên, sinh viên, học sinh Trung học Phổ thông đến giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao, tìm hiểu về các đời Vua Hùng…
Em Lê Quốc Đôn, học sinh lớp 12C6, Trường Trung học Phổ thông Cây Dương, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang cho biết, tham gia các hoạt động tại lễ giỗ tổ Vua Hùng giúp em hiểu nhiều hơn về lịch sử dựng nước và giữ nước của các bậc tiền nhân. Hoạt động còn giúp em và nhiều bạn học sinh, sinh viên thêm tự hào về truyền thống dân tộc, đoàn kết hơn, cùng nêu cao tinh thần học tập, rèn luyện để trở thành người có ích, tiếp tục xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương, đất nước.
Hơn 90 năm qua, Ranh Hạt (nay là ấp Bờ Xáng, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận) - nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Kiên Giang vào năm 1932 luôn là niềm tự hào, hun đúc tinh thần chiến đấu của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, quân và dân tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Sau giải phóng, thống nhất đất nước, trong thời kỳ hòa bình nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, niềm tự hào về tổ chức Đảng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Kiên Giang.
Trưởng Ban Tuyên giáo, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Vĩnh Thuận cho biết, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2010), Tỉnh uỷ Kiên Giang, Huyện uỷ Vĩnh Thuận khánh thành công trình Khu di tích Ranh Hạt. Từ đó đến nay, khu di tích đón hàng trăm đoàn của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước; của tỉnh và huyện đến tham quan, tìm hiểu, dâng hoa, dâng hương trong các dịp mừng Đảng, mừng Xuân hằng năm.
Anh Danh Cho, Bí thư Huyện đoàn Vĩnh Thuận chia sẻ, tuổi trẻ huyện nhà luôn tự hào về Khu du tích Ranh Hạt và thường xuyên tổ chức cho đoàn viên thanh niên đến dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc hoa viên, cây cảnh. Đồng thời, các cấp đoàn trong huyện tổ chức cho đoàn viên thanh niên đến tham quan, tìm hiểu về sự kiện thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh; tổ chức kết nạp đoàn viên, đảng viên tại đây nhằm khơi dậy niềm tự hào về tổ chức Đảng và truyền thống cách mạng hào hùng của các thế hệ đảng viên, cán bộ, chiến sĩ trong kháng chiến.
Anh Phan Đình Nhân, Bí thư Tỉnh đoàn Kiên Giang cho biết, công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của tổ chức Đoàn. Các tổ chức Đoàn - Hội - Đội cần linh hoạt, chủ động tổ chức các hoạt động về nguồn phù hợp với điều kiện thực tế. Các hành trình, hoạt động về nguồn giúp đoàn viên, thanh niên có dịp tìm hiểu, ôn lại truyền thống lịch sử của dân tộc qua các hình ảnh, tư liệu lịch sử. Qua đó, giáo dục, bồi dưỡng lòng yêu nước để mỗi đoàn viên thấy được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong nỗ lực học tập, công tác.
“Để phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của di tích lịch sử cách mạng trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, ngành chuyên môn cần thực hiện các giải pháp thu hút thế hệ trẻ đến khu di tích tham quan, tìm hiểu lịch sử; quan tâm đầu tư, sưu tầm, phục dựng, trưng bày hình ảnh, hiện vật, kỷ vật để tạo nguồn tư liệu quý phục vụ công tác giáo dục cách mạng cho thế hệ trẻ”, Bí thư Tỉnh đoàn Kiên Giang Phan Đình Nhân nhấn mạnh.