Ba đột phá trong xây dựng luật
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT) Trần Quốc Phương cho biết, yêu cầu quan trọng khi sửa luật lần này là rà soát, tháo gỡ ngay những “điểm nghẽn” trong các quy định pháp luật của các luật liên quan đến đầu tư, đấu thầu, tài chính, ngân sách... đảm bảo phát huy hiệu quả đến nền kinh tế.
Bên cạnh đó, các quy định sửa đổi, bổ sung sẽ cụ thể hóa đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đơn cử, trong dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), Bộ KHĐT đề xuất nhóm chính sách phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn Ngân sách Trung ương (NSTƯ) giữa các bộ, ngành, địa phương; phân cấp thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng chung vốn NSTƯ, vốn tăng thu, tiết kiệm chi NSTƯ, các khoản vốn NSTƯ chưa phân bổ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm.
Cụ thể, việc đề xuất phân cấp thẩm quyền cho người đứng đầu bộ, ngành quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A, với quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng; dự án nhóm A từ 10.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; phân cấp thẩm quyền cho Chủ tịch UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A có quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng, nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý; phân cấp thẩm quyền cho Chủ tịch UBND các cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm...
Ngoài ra, các quy định sửa đổi, bổ sung đảm bảo thiết kế thủ tục, quy trình triển khai nhanh, đúng, đơn giản hóa thủ tục; nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công; tăng cường công tác hậu kiểm. “Đến nay, những nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung trong 2 dự án luật đã thể hiện rõ tư duy đột phá, với nhiều quy định tháo gỡ ngay những điểm nghẽn, nhằm giải phóng kịp thời nguồn lực tăng trưởng”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định.
Tháo gỡ ngay những rào cản
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Luật Đầu tư công được sửa đổi theo hướng cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện 5 nhóm chính sách lớn đã được Chính phủ thông qua, thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong các Hội nghị lấy ý kiến, đại diện các địa phương đánh giá cao nhóm chính sách đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo thuận lợi cho các địa phương trong quá trình triển khai.
Trong khi đó, việc xây dựng, ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết các khó khăn, vướng mắc cấp thiết trong thực tiễn triển khai liên quan đến công tác quy hoạch, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.
Cụ thể, sửa đổi Luật Đầu tư nhằm tạo căn cứ pháp lý rõ ràng, phù hợp với thực tiễn để chấm dứt hoạt động đối với các dự án không được triển khai thực hiện trong nhiều năm, góp phần giải phóng nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nội dung sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư sẽ bổ sung quy định để xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BOT, BT chuyển tiếp; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu nhằm gỡ ngay rào cản đấu thầu dự án ODA, lựa chọn nhà thầu mua sắm thuốc trực tiếp và tăng cạnh tranh trong đấu thầu, bảo đảm quyền lợi của các đối tượng tham dự thầu...
Liên quan đến vốn ODA, Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ, tại dự thảo luật lần này, Bộ KHĐT đề xuất các chính sách thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (vốn nước ngoài). Những nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu bao gồm: Bổ sung quy định về việc cho phép giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài nguồn NSTƯ và kế hoạch vốn cho vay lại của ngân sách địa phương được giải ngân theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công, không phụ thuộc vào tỷ lệ cấp phát và cho vay lại. Đồng thời, phân cấp thẩm quyền, đơn giản hóa thủ tục phê duyệt đầu tư, quyết định đầu tư dự án sử dụng vốn nước ngoài; bổ sung quy định về thời gian bố trí kế hoạch vốn của các dự án sử dụng vốn nước ngoài và giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài...
Bà Susan Lim, đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đánh giá cao những thay đổi trong dự thảo luật lần này. Bà Susan Lim nhấn mạnh, 3 thay đổi lớn nhất là đơn giản hóa thủ tục, trao quyền nhiều hơn, giảm thiểu thời gian liên quan, nhất là ở các chính quyền địa phương. Những thay đổi này giúp Việt Nam sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA.