* Tiếp tục thảo luận về việc thành lập Công ty quản lý tài sản
Tại họp báo thường kỳ tháng 3/2013 vào chiều 29/3, người phát ngôn của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam (ảnh) đã khẳng định, điều hành của Chính phủ không chủ quan với điều hành tiền tệ, tài khóa, giá cả bởi lạm phát luôn có nguy cơ tăng nhanh trở lại. Đặc biệt, Chính phủ luôn cân nhắc về việc điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu, trong đó có giá xăng dầu.
Công khai, minh bạch về điều chỉnh giá xăng dầu
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc tăng giá xăng dầu vừa qua, tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định: Hiện giá xăng dầu được điều hành theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP trong đó quy định chặt chẽ trình tự, thủ tục để điều chỉnh tăng hay giảm giá xăng dầu.
Giải thích về lý do chính dẫn tới phải điều chỉnh giá xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, khi giá bán xăng dầu thấp hơn giá cơ sở và Quỹ Bình ổn giá đã sử dụng hết, không còn công cụ nào hỗ trợ thì chỉ còn cách lấy ngân sách để bù, nhưng nguyên tắc là không thể bao cấp mãi giá các mặt hàng thiết yếu mà phải theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, buộc phải điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước.
Tuy nhiên, việc giá xăng dầu trong nước tăng trong bối cảnh thế giới giảm khiến một số báo chí cho rằng, việc tăng giá ở thời điểm hiện nay là không hợp lý. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, cách hiểu như vậy có thể mang tính suy diễn. Dẫn chứng từ việc cách đây hơn 1 tháng (ở thời điểm cuối tháng 2), mặc dù khi đó theo báo cáo của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương, đã có đủ căn cứ để tăng giá xăng dầu nhưng: “Để phục vụ việc bình ổn giá, kiểm soát lạm phát và không gây thêm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng đã quyết định chưa tăng giá.
Đến nay, trước tình hình Quỹ bình ổn giá đã sử dụng hết khả năng, mặc dù giá xăng dầu thế giới có đi xuống nhưng giá bán xăng dầu vẫn thấp hơn giá cơ sở nên cần điều chỉnh”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam lưu ý.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng khẳng định, Chính phủ điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định, bảo đảm an ninh năng lượng và vì lợi ích chung của nền kinh tế xã hội, của đất nước chứ không vì lợi ích cục bộ của một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Điều quan trọng nhất là phải công khai minh bạch tất cả các yếu tố, quỹ bình ổn có bao nhiêu, từng doanh nghiệp sử dụng bao nhiêu, giá nhập khẩu, giá thế giới là bao nhiêu... Liên Bộ đã báo cáo Chính phủ rằng về cơ bản các thông tin đó đã được công khai. Bộ Tài chính và Bộ Công Thương phải kiểm soát chặt chẽ việc công khai mọi yếu tố cho nhân dân được biết.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cũng cho biết thêm, việc điều hành giá xăng dầu được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật nhằm mục đích bảo đảm an ninh năng lượng với quan điểm là hài hòa các lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất là việc sử dụng Quỹ bình ổn giá cũng đã được công khai minh bạch tất cả các yếu tố liên quan... Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng cho biết, sẽ nghiên cứu cơ chế, cách thức để người dân dễ dàng tiếp cận với các thông tin công khai, minh bạch trong sử dụng Quỹ bình ổn giá.
Sẽ hạ lãi suất và giảm thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, trong phiên họp Chính phủ diễn ra 2 ngày 28 và 29/3, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành mạnh dạn nghiên cứu những chính sách tháo gỡ khó khăn mạnh mẽ hơn cho các doanh nghiệp. Cụ thể, trong thời gian tới cần khẩn trương triển khai các giải pháp, chính sách về thuế đã ban hành, đồng thời trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT... nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh không chỉ ngay trong thời điểm khó khăn này, mà còn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đặc biệt là vấn đề vốn và tín dụng. Ngân hàng phải có biện pháp quản lý tốt tỷ giá; cùng với việc hạ lãi suất cho vay phải có biện pháp và tăng cường kiểm tra để vốn vay với lãi suất thấp thực sự đến được với doanh nghiệp, tăng dư nợ tín dụng, đồng thời chú ý cơ cấu lại nợ, giảm nợ xấu. “Qua quá trình kiên trì thực hiện các giải pháp đồng bộ kiềm chế lạm phát, chúng ta đã có cơ sở yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, đặc biệt là giảm lãi suất cho vay để chi phí vốn của Việt Nam về mức bình thường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn, từ đó tăng cường năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Về đề án thành lập công ty quản lý tài sản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đây là một trong nhiều công cụ giải quyết nhanh nợ xấu, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ tiếp tục giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với NHNN làm rõ thêm một số vấn đề. Đề án đã được Bộ Chính trị thông qua về nguyên tắc nhưng còn nhiều quy định cụ thể chưa tạo được lòng tin của các thành viên Chính phủ, rằng khi đề án này được phê duyệt, nghị định được ban hành, công ty này ra đời thì nợ xấu của doanh nghiệp sẽ được giải quyết. Theo dự thảo đề án, hiện mới nằm ở mức xử lý nợ giữa các ngân hàng nên các bộ phải làm việc tiếp với NHNN. Chính phủ giao cho các bộ làm việc tích cực để nghị định về công ty này sớm được ban hành, góp phần xử lý nợ. “Tuy nhiên, không chỉ chờ công ty này ra đời thì nợ mới được xử lý mà hiện vẫn đang được xử lý, và cũng không thể mong rằng công ty này ra đời thì tất cả nợ sẽ được xử lý ngay. Đây cũng chỉ là một trong các giải pháp góp phần xử lý nợ xấu”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam lưu ý.
Thu Hường - Minh Phương