Hội thảo được tổ chức nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII trong lĩnh vực văn hóa; Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030; bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11/2021.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn dành sự quan tâm đặc biệt và xác định văn hóa đóng vai trò hết sức quan trọng.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đánh giá cao Đoàn Thanh niên và tuổi trẻ Việt Nam đã và đang tổ chức nhiều phong trào, hoạt động rất cụ thể để góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ biên cương tư tưởng văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi số. Đó là hàng ngàn buổi sinh hoạt chính trị, các hoạt động trải nghiệm về nguồn, tham quan bảo tàng, di tích lịch sử, dã ngoại. Những cuộc thi tìm hiểu về văn hóa, truyền thống lịch sử của dân tộc xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ số được triển khai mạnh mẽ. Tổ chức Đoàn, tổ chức Hội đã có nhiều sáng kiến, tạo không gian, hỗ trợ vốn, tư vấn chính sách, nguồn nhân lực giúp cho thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực, trong đó có nhiều doanh nhân trẻ đã thành công trên lĩnh vực công nghiệp văn hóa, với các sản phẩm văn hóa mang đặc sắc vùng miền, gắn văn hóa với du lịch, với công nghệ hiện đại.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, của chuyển đổi số, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức trong việc bảo vệ biên cương tư tưởng văn hóa.
Do đó, ông đề nghị Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, các cấp, các ngành và tuổi trẻ cả nước tiếp tục kiên trì đổi mới phương thức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa; tận dụng tối đa ưu thế của không gian mạng và quá trình chuyển đổi số để nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử, những giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của dân tộc. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn phải tạo được môi trường và phong trào để cổ vũ, thúc đẩy, khơi nguồn sáng tạo trong thanh, thiếu nhi, xem đây là yếu tố hết sức quan trọng để bảo tồn và phát triển văn hóa.
"Tổ chức Đoàn cần tập trung nghiên cứu, xác lập các giải pháp để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa, nhất là các ngành liên quan đến xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, trò chơi trực tuyến…; tổ chức cuộc thi khởi nghiệp về văn hóa, đầu tư, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp về văn hóa, các ý tưởng, sản phẩm văn hóa có giá trị cao, có sức lan tỏa lớn trong thanh, thiếu nhi. Đây cũng là cách để chúng ta truyền thông, sản xuất những sản phẩm văn hóa của Việt Nam nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ biên cương văn hóa Tổ quốc từ sớm, từ xa", ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Cũng theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, tổ chức Đoàn cần đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại trong phát triển văn hóa, giáo dục, du lịch, nâng cao chất lượng hoạt động báo chí, xuất bản, thông tin, truyền thông, mạng xã hội…; thường xuyên tham mưu với các cấp ủy đảng; phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, tổ chức chính trị xã hội đầu tư hơn nữa cho công tác giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ.
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 60 tham luận của đại biểu. Các tham luận đều được đầu tư công phu, kỹ lưỡng, tổng kết từ những kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình tham gia hoạt động trong lĩnh vực văn hóa.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng tập trung thảo luận các nội dung về nhận diện tầm quan trọng, tác động, ảnh hưởng của không gian mạng, các dịch vụ xuyên biên giới đối với sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng trong giai đoạn hiện nay; thực trạng và giải pháp nhằm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam phát triển, vươn tầm thế giới… Một số đại biểu cũng đề xuất cơ chế kiểm soát đối với các sản phẩm văn hóa trên không gian mạng; hiến kế, định hướng để giúp Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, các cấp, ngành và tuổi trẻ Việt Nam tham gia thực chất hơn, sâu hơn vào công tác bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng.
Đề cập tới các sản phẩm văn hóa trên không gian mạng, các ý kiến cho rằng, cần có cơ chế kiểm soát đối với các sản phẩm này trên không gian mạng để vừa đảm bảo cung cấp thông tin một cách chính xác, chân thực, trong sáng, lành mạnh, định hướng văn hóa cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; vừa tạo được môi trường công bằng, lành mạnh để các nền tảng, sản phẩm văn hóa trên không gian mạng trong nước phát triển.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cần có hệ thống chính sách pháp luật phù hợp, tạo hành lang pháp lý và môi trường hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Điều quan trọng là tạo ra các chính sách thu hút nguồn lực, coi đầu tư vào văn hóa là đầu tư phát triển, không phải là lĩnh vực tiêu tiền, thậm chí đem lại nhiều tiền cho đất nước. Chỉ từ nhận thức như vậy thì mới hình thành các chính sách thu hút nguồn lực phù hợp.
Để tuổi trẻ chung tay bảo vệ nền tảng văn hóa tư tưởng trên không gian mạng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, cần tạo ra hệ sinh thái cho giới trẻ sáng tạo thông qua những diễn đàn, chương trình chuyên đề… Giới trẻ cũng cần có không gian, môi trường để có thể kết nối với quá khứ, lan tỏa những giá trị cốt lõi bằng các hình thức biểu hiện mới, cách cảm nhận mới.