Kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ
Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã ký ban hành Quy định 114-QĐ/TW (Quy định 114) về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký (11/7/2023), thay thế Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền
Quy định gồm 5 Chương, 16 điều; trong đó quy định những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; xử lý vi phạm…
Về phạm vi điều chỉnh, Quy định 114-QĐ/TW quy định về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ và xử lý vi phạm.
Đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm và có liên quan trong công tác cán bộ.
Quy định 114-QĐ/TW nêu rõ các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ quyền hạn, gồm: Dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và người có quan hệ gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự, bỏ phiếu bầu theo ý mình. Để người có quan hệ gia đình, người có mối quan hệ thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của bản thân tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu trong công tác cán bộ. Lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ. Chỉ đạo, tham mưu các khâu trong công tác cán bộ theo quy định đối với nhân sự không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; không đúng nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định. Trì hoãn, không thực hiện khi thấy bất lợi hoặc chọn thời điểm có lợi đối với nhân sự theo ý mình để thực hiện quy trình công tác cán bộ…
Quy định 114-QĐ/TW nêu rõ hành vi chạy chức, chạy quyền như: Trực tiếp hoặc gián tiếp môi giới, đưa và nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi; tặng quà, tiền, bất động sản hoặc các lợi ích vật chất, phi vật chất khác…
Quy định nêu rõ trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Trong đó quy định rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo; trách nhiệm của thành viên cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo; trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo; trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan tham mưu, cán bộ tham mưu, nhân sự…
Quy định 114-QĐ/TW nêu rõ các biện pháp xử lý của cấp có thẩm quyền khi có cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm. Các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ có kết luận vi phạm sẽ chuyển hồ sơ đến các cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định.
Vụ “Chuyến bay giải cứu”: Các bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt
Ngày 22/7, tại phiên tòa xét xử trong vụ Chuyến bay giải cứu, các bị cáo được nói lời sau cùng, trước khi Hội đồng xét xử nghị án. Trình bày trước Tòa, nhiều bị cáo đã cảm ơn cơ quan điều tra, đại diện Viện Kiểm sát và Hội đồng xét xử đã công tâm lắng nghe, giúp các bị cáo nhận thức được sai phạm, ăn năn hối lỗi, đồng thời nêu những động thái tích cực của bị cáo trong quá trình tiến hành điều tra, truy tố, xét xử vụ án… và mong được Hội đồng xét xử xem xét thấu tình đạt lý, cho bị cáo được hưởng khoan hồng của pháp luật.
Nói lời sau cùng tại Tòa, nhóm bị cáo là các doanh nghiệp xin cấp phép các chuyến bay giải cứu đã bày tỏ sự hối hận, ăn năn và giải thích những việc làm này là nhằm đẩy nhanh quá trình cấp phép các chuyến bay, xúc tiến thật nhanh việc đưa công dân Việt Nam đang ở các vùng dịch sớm được quay trở về đất nước.
Trình bày tại tòa, nhóm bị cáo nguyên là cán bộ ngoại giao đã bày tỏ sự hối hận do thiếu nhận thức pháp luật, vô tình phạm tội khi đang tích cực thực hiện các công tác bảo hộ công dân tại nước ngoài. Trong thời gian sớm nhất, các bị cáo này sẽ phối hợp cùng gia đình, chủ động nộp tiền khắc phục hậu quả.
Nói lời sau cùng tại tòa, bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an) vẫn tiếp tục kêu oan và cho rằng các cơ quan tố tụng thiếu chứng cứ khi kết tội bị cáo lừa đảo chiếm đoạt 800.000 USD. Bị cáo mong muốn Hội đồng xét xử xem xét vụ án một cách thấu đáo, khách quan, toàn diện. Từ đó, đưa ra phán quyết chính xác, tránh oan sai cho bị cáo.
Khen thưởng các tập thể, cá nhân truy bắt 3 đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm
Trưa 21/7, lực lượng Công an huyện Cư Kuin đã bắt giữ 3 đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm gồm: Y Khing Liêng (sinh năm 1992, trú xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông), Nay Dương (sinh năm 19, trú buôn Ea KLok, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk) và Y Hoăl Êban (sinh năm 1970, trú tại buôn Mấp, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar), thu giữ một số vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ do các đối tượng cất giấu.
Công an tỉnh Đắk Lắk cùng Huyện uỷ, UBND huyện Cư Kuin tổ chức khen thưởng đột xuất các cá nhân, tập thể tham gia truy bắt 3 đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm liên quan vụ khủng bố rạng sáng 11/6, đang lẩn trốn trên địa bàn huyện.
Theo đó, qua công tác nắm tình hình, trưa 21/7, một nguồn tin phát hiện một số đối tượng nghi vấn trên địa bàn xã Ea Ktur có đặc điểm nhận dạng giống với các đối tượng liên quan đến khủng bố ngày 11/6 tại các xã Ea Tiêu, Ea Ktur (huyện Cư Kuin), đang bị Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk ra quyết định truy nã đặc biệt.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, lãnh đạo Công an huyện Cư Kuin đã chỉ đạo, triển khai tổ công tác nhanh chóng xác minh, phân công lực lượng nhanh chóng tiếp cận khu vực đồi Độc lập (thuộc buôn Kniết, xã Ea Ktur) để bao vây, không để đối tượng bỏ trốn.
Xác định đây là 3 đối tượng cuối cùng trong số 6 đối tượng trực tiếp tham gia vụ tấn công vào trụ sở UBND hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, vào ngày 11/6, đang bị Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk ra quyết định truy nã đặc biệt về tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” quy định tại Điều 113 Bộ luật Hình sự, Công an huyện Cư Kuin đã chỉ đạo, huy động lực lượng cùng các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh, bao vây toàn bộ đồi Độc lập, truy bắt các đối tượng.
Chiều 21/7, Thiếu tướng Lê Vinh Quy, Giám đốc Công an tỉnh đã ghi nhận, biểu dương và khen thưởng Phòng An ninh nội địa, Phòng Cảnh sát Cơ động, Công an huyện Cư Kuin, Công an xã Ea Ktur, cùng 5 người dân đã có thành tích xuất sắc, phát hiện, truy đuổi và bắt 3 đối tượng truy nã đặc biệt đang lẩn trốn.
Huyện ủy, UBND huyện Cư Kuin cũng động viên và khen thưởng đột xuất cho Công an huyện Cư Kuin và các đơn vị nghiệp vụ đã có thành tích xuất sắc trong đấu tranh, truy bắt các đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm lẩn trốn trên địa bàn huyện, bảo vệ bình yên cho nhân dân.
Liên quan đến vụ việc, rạng sáng 11/6, nhóm đối tượng đã tấn công vào trụ sở UBND xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur (trong đó có khu vực làm việc của Công an xã) thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, khiến 9 người chết và 2 người bị thương.
Nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng
Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Nghị định số 55/2023/NĐ-CP sửa đổi mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng.
Nghị định nêu rõ mức chuẩn quy định ở trên làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. Các mức quy định theo mức chuẩn tại Nghị định này được điều chỉnh khi mức chuẩn được điều chỉnh và làm tròn đến hàng nghìn đồng.
Tước danh hiệu Công an nhân dân đối với 2 điều tra viên
Ngày 22/7, Công an thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) thông tin: Trong quá trình giải quyết tin báo, điều tra vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, Công an thành phố Hạ Long phát hiện hai chiến sỹ là Hà Huy Đạt và Nguyễn Xuân Nam, là cán bộ điều tra thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hạ Long có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức tước danh hiệu Công an nhân dân.
Sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố đã phối hợp, trao đổi thông tin vụ việc trên cho Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao để điều tra theo thẩm quyền. Đồng thời, Công an thành phố tiếp tục phối hợp xác minh, xử lý các trường hợp vi phạm khác (nếu có).
Tuyển sinh Đại học 2023: Hiện có 72.000 thí sinh chỉ đăng ký một nguyện vọng duy nhất
Ngày hội tư vấn lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2023 đã diễn ra đồng thời tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào sáng 22/7, với sự có mặt của nhiều chuyên gia tuyển sinh hàng đầu và trên 300 gian tư vấn của các trường.
Ở phiên tư vấn chung của ngày hội, các chuyên gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo và chuyên gia đến từ một số cơ sở đào tạo có uy tín đã lắng nghe, trao đổi trực tiếp với thí sinh, phụ huynh những thông tin cần thiết; giải đáp những vướng mắc trong quá trình tìm hiểu các ngành, trường, phương thức xét tuyển cũng như các bước đăng ký nguyện vọng xét tuyển hiệu quả.
Trong khuôn khổ ngày hội, với trên 300 gian tư vấn của các đại học, học viện, trường đại học, cơ sở đào tạo nghề nghiệp, thí sinh cũng được tiếp cận thông tin đầy đủ, đáng tin cậy về quy định tuyển sinh, quy định nhập học, các thông tin về học phí, học bổng, môi trường học tập, sinh hoạt ở bậc đại học và cơ hội việc làm.
Chia sẻ tại ngày hội, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Đến thời điểm này, mới chỉ có khoảng 390.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng lên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo (chiếm khoảng 1/3 tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông 2023). Trong đó, có khoảng 72.000 thí sinh chỉ đăng ký một nguyện vọng duy nhất. Vì vậy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học đưa ra lời khuyên, thí sinh không nên chỉ đăng ký một nguyện vọng mà nên có một số nguyện vọng. Nếu có rủi ro cho thí sinh thì hệ thống của Bộ còn xét tuyển tiếp để thí sinh có được các cơ hội khác. Đồng thời, thí sinh lưu ý xếp nguyện vọng mình yêu thích nhất, thấy phù hợp nhất lên đầu.