Xử lý nghiêm trường hợp không khai báo y tế, không cách ly nghiêm túc
“Yêu cầu lên án và xử lý nghiêm những trường hợp không khai báo y tế, không cách ly nghiêm túc. Mỗi một người dân phải có trách nhiệm vì cộng đồng. Các cấp chính quyền có trách nhiệm, tuyệt đối không được chủ quan”. Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 tại cuộc họp của Ban chỉ đạo ngày 2/8 tại Văn phòng Chính phủ.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến ngày 2/8, Việt Nam ghi nhận 590 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 323 trường hợp xâm nhập từ nước ngoài vào Việt Nam, 6 trường hợp tử vong (bệnh nhân 428; 437; 499; 524; 475, 429 - là các bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền nặng). Tổng cộng có 373 bệnh nhân đã được chữa khỏi.
Chỉ tính riêng từ ngày 25/7 đến nay, Việt Nam ghi nhận 144 trường hợp mắc COVID-19 tại 7 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng (105 trường hợp); Quảng Nam (25 trường hợp); Đắk Lắk (1 trường hợp); Thành phố Hồ Chí Minh (8 trường hợp); Quảng Ngãi (2 trường hợp); Hà Nội (2 trường hợp); Thái Bình (1 trường hợp). Ngoài các ca bệnh nhập cảnh, các ca bệnh được ghi nhận đến thời điểm hiện nay đều có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch tại cụm 3 bệnh viện của Đà Nẵng.
Phân tích diễn biến tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, đây là ổ dịch phức tạp, nên công tác đối phó căng thẳng, khó khăn hơn; dự báo kéo dài hơn so với các ổ dịch trước đó. Qua phân tích yếu tố dịch tễ, sinh học phân tử và các yếu tố liên quan, mức độ bùng phát ổ dịch Đà Nẵng nhanh hơn.
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long giải thích, chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 xâm nhập từ nước ngoài vào làm tăng khả năng cảm nhiễm, bám dính, lây lan nhanh. Theo đó, hệ số lây nhiễm cơ bản vào khoảng 6-10 (trước đây khoảng 1,8-2,2; trong khi muốn kiểm soát dịch bệnh phải đạt hệ số dưới 1). Do đó, tỷ lệ F2 bị mắc COVID-19 tăng lên, điển hình tại Quảng Nam, các ca F2 hiện chiếm khoảng 60% tổng số ca nhiễm bệnh.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, tính từ ngày 1/7-29/7, lượng người trở về từ Đà Nẵng hoặc đi đến cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước khoảng 1,4 triệu người. Tâm dịch lớn nhất của ổ dịch Đà Nẵng là cụm 3 bệnh viện tại Đà Nẵng với khoảng 800.000 người đến khám và qua lại, trong đó có 46.000 người đến khám chữa bệnh. “Thời gian tới, chắc chắn sẽ phát hiện thêm các ca nhiễm mới ở một số địa phương khác trên địa bàn Đà Nẵng cũng như trên cả nước”, quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ.
Trên cơ sở xác định đúng dự báo ban đầu về tình hình của Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của lực lượng Công an, Quốc phòng, Bộ Y tế trong việc tăng cường các chuyên gia, lực lượng tham gia phòng, chống dịch tại Đà Nẵng. Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục siết toàn bộ hệ thống chống dịch các ngành: Y tế, Quân đội, Công an; đồng thời lưu ý việc rà soát, bảo vệ đối tượng người già, người có bệnh nền; rà soát lại quy trình khám chữa bệnh trong bệnh viện, chú ý bảo vệ, phòng thủ tại những khoa có bệnh nhân nặng.
Từ kinh nghiệm không giữ lại khách du lịch, tránh tình trạng quá tải ở Đà Nẵng trong thời gian qua, Phó Thủ tướng nêu rõ, bên cạnh việc tập trung xử lý tâm dịch tại cụm 3 bệnh viện ở Đà Nẵng, thời gian tới mở rộng tập trung kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng ở Đà Nẵng cũng như các địa bàn đồng bằng thuộc tỉnh Quảng Nam; đề phòng nhiều người nhiễm trong cộng đồng được phát hiện.
Trên tinh thần cách ly tối đa ca nhiễm F1, Phó Thủ tướng nêu rõ, trong trường hợp hết khả năng cách ly tập trung sẽ hướng dẫn, xem xét, bổ sung phân loại nhằm cách ly F1 tại nhà (tuỳ vào điều kiện từng ca F1). Bên cạnh ý thức tự giác của người dân, lực lượng Công an cần phối hợp với ngành Y tế tăng cường kiểm soát, kiểm tra việc thực hiện cách ly tại nhà.
Trước tình hình thực tế đón người nước ngoài vào, người Việt Nam từ nước ngoài về, Phó Thủ tướng kêu gọi, bắt buộc tất cả người dân tải và sử dụng ứng dụng Bluezone (nhằm phát hiện người tiếp xúc gần với người nhiễm qua điện thoại thông minh nhanh chóng, chính xác, ít tốn kém); ứng dụng NCOVI (nhằm khai báo y tế và theo dõi sức khoẻ). Yêu cầu xử lý nghiêm những trường hợp không khai báo y tế, không cách ly nghiêm túc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Mỗi một người dân phải có trách nhiệm vì cộng đồng. Các cấp chính quyền có trách nhiệm, tuyệt đối không được chủ quan”.
Đã có 6 bệnh nhân COVID-19 tử vong
Ngày 2/8, Việt Nam ghi nhận thêm 3 bệnh nhân tử vong trong dịch COVID-19. Bệnh nhân 524, 475 và 429 được xác định tử vong vì nền bệnh lý nặng và mắc COVID-19. Như vậy, Việt Nam hiện đã có 6 bệnh nhân COVID-19 tử vong.
Bão số 2 đi vào đất liền, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng ngày 2/8, vị trí tâm bão ở khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 130km tính từ tâm bão.
Đến 19 giờ ngày 2/8, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi vào đất liền các tỉnh từ Ninh Bình đến Nghệ An và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc; 105,0 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi Thanh Hóa-Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8.
Đến 7 giờ ngày 3/8, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào. Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Phía Bắc vĩ tuyến 17,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 110,0 độ Kinh Đông.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình còn có mưa to đến rất to (lượng mưa 50-150 mm/24 giờ, có nơi trên 150 mm/24 giờ). Đến ngày 5/8, Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 200-350 mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt. Trên lưu vực sông Hồng-Thái Bình, các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3-7 m, hạ lưu từ 2-5 m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ thượng nguồn sông Thao, sông Bôi, sông Bùi, sông Mã, sông Cả, sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố có khả năng lên mức báo động 1 và trên báo động 1; hạ lưu các sông ở mức dưới báo động1, riêng hạ lưu sông Gianh lên mức báo động 2 và trên báo động 2.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt ở vùng trũng ở nhiều tỉnh miền núi khu vực Bắc Bộ như Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị và khu vực Tây Nguyên, đặc biệt tại các huyện sau: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân, Bá Thước, Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa); Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Anh Sơn (tỉnh Nghệ An); Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh); Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình). Từ ngày 2 - 8/8, Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 40 - 80 mm/24 giờ, có nơi trên 100 mm/24 giờ.
TP Hồ Chí Minh có trên 35.000 chương trình du lịch bị hủy vì dịch bệnh COVID-19
Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, có trên 35.000 chương trình du lịch bao gồm tour trọn gói, tour tự chọn, dịch vụ (khách sạn, vé máy bay, điểm tham quan…) của các doanh nghiệp du lịch lớn TP Hồ Chí Minh đã bị huỷ. Điều này đang khiến các doanh nghiệp lữ hành TP Hồ Chí Minh gặp không ít khó khăn do áp lực phải hoàn tiền cho du khách, trong khi đa số các dịch vụ đã thanh toán trước cho các đơn vị cung ứng tại điểm đến và ngành hàng không.
Một doanh nghiệp du lịch tại TP Hồ Chí Minh cho biết đã bị một số khách hàng đòi hoàn 100% tiền tour bị hủy do tác động của dịch bệnh ở Đà Nẵng. Sau khi giải thích cho khách hàng rằng chỉ có thể được hoàn một phần chi phí của tour chứ không thể hoàn 100% chi phí tour (do các chi phí khác như khách sạn, hàng không... đã thanh toán trước nhưng không được hoàn lại), khách hàng vẫn làm khó doanh nghiệp. Cũng vì muốn giữ chân khách hàng, doanh nghiệp đành chấp nhận "bỏ tiền túi" ra hoàn 100% chi phí tour cho khách.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh, cho biết dịch COVID-19 đợt mới đã gây ra những tổn thất nặng nề cho nền kinh tế, trong đó có ngành du lịch. "Dịch bệnh COVID-19 xuất hiện tại Đà Nẵng đã tác động đến tâm lý đi du lịch của người dân TP Hồ Chí Minh, nhiều người lo lắng đã hủy hàng loạt tour đi Đà Nẵng. Không chỉ vậy, nhiều tour đến các địa phương khác chưa có ca nhiễm bệnh như: Đà Lạt, Phú Quốc, Vũng Tàu, miền Bắc... cũng bị hủy hàng loạt. Khi huỷ tour, đa số khách hàng đều có yêu cầu công ty lữ hành hoàn tiền 100%, chỉ có một số khách đồng ý hoãn chuyến đi vào thời gian thích hợp.
Theo đó, doanh nghiệp lữ hành TP Hồ Chí Minh mong muốn các tỉnh, thành phố khác trên cả nước phát huy sự liên kết, hợp tác giữa du lịch TP Hồ Chí Minh và các địa phương để giúp doanh nghiệp lữ hành nói riêng và ngành du lịch Việt Nam nói chung từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn. Đồng thời, Hiệp hội cũng mong muốn khách hàng chia sẻ và đồng cảm với ngành du lịch bằng việc có thể không hủy tour hàng loạt mà nên chọn phương án dời tour sang một thời điểm thích hợp hoặc chấp nhận bồi thường hoàn tour theo khả năng của doanh nghiệp...thay vì cứ đòi hoàn tiền 100%.
Phát hiện hàng nghìn găng tay cao su qua sử dụng, không rõ nguồn gốc
Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình, ngày 1/8, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình phối hợp với C05 và A03 của Bộ Công an tổ chức kiểm tra và phát hiện hàng nghìn chiếc găng tay cao su đã qua sử dụng, không rõ nguồn gốc tại Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng BM do bà Nguyễn Thị Hoa làm giám đốc, có địa chỉ tại Khu công nghiệp Lương Sơn (Hòa Bình).
Cụ thể, khi kiểm tra tại Công ty BM lực lượng chức năng cũng đã tạm giữ hơn 100 nghìn chiếc khẩu trang y tế dùng một lần loại 3,4 lớp đang trong giai đoạn hoàn thiện. Ngoài ra tại đây còn có hơn 2.000 vỏ hộp găng tay cao su nhãn hiệu Powder Free Nitrile Glove, thùng cát tông nhãn hiệu Powder Free Nitrile và một lượng lớn khẩu trang chuẩn bị được đóng bao để đem đi tiêu thụ.
Lực lượng chức năng còn phát hiện hàng nghìn chiếc găng tay cao su đã qua sử dụng và Công ty BM chưa cung cấp được hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc số găng tay này. Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng BM thuê lại nhà xưởng của Công ty V-Link để sản xuất với thời hạn 2 năm kể từ ngày 7/4/2020 và Công ty V-Link cũng xuất trình cho Đoàn kiểm tra Hợp đồng thuê nhà xưởng. Vụ việc đang được Đoàn kiểm tra tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định...
Tuyên án các thành viên của nhóm kín 'Hiến Pháp' về tội phá rối an ninh
Ngày 31/7, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án phá rối an ninh đối với 8 bị cáo. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (sinh năm 1976, hộ khẩu thường trú ở huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; ngụ huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) 8 năm tù; Hoàng Thị Thu Vang (sinh năm 1966, hộ khẩu thường trú ở Khu phố 3, phường Trung Mỹ Tây, Quận 12, TP Hồ Chí Minh) 7 năm tù, cùng về tội “Phá rối an ninh” theo Điều 118 Bộ luật hình sự 2015.
Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn trật tự xã hội, xâm phạm an ninh quốc gia nên cần phải xử lý nghiêm để giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung.
Sáu bị cáo còn lại nhận mức án từ thấp nhất 2 năm 6 tháng tù đến cao nhất là 5 năm tù, cùng về tội “Phá rối an ninh” theo Điều 118 Bộ luật hình sự 2015.
Theo cáo trạng, là những người có tư tưởng bất mãn với chính quyền, lại thường xuyên tiếp xúc với các thông tin trên có nội dung xấu trên mạng xã hội, các bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Hoàng Thị Thu Vang, Đỗ Thế Hóa, Hồ Đình Cương, Ngô Văn Dũng, Trần Thanh Phương, Đoàn Thị Hồng và Lê Quý Lộc đã chia sẻ các video về Facebook cá nhân để kêu gọi, kích động, lôi kéo người tham gia biểu tình.
Các bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Đỗ Thế Hóa (sinh năm 19, ngụ phường Hiệp Thành, Quận 12), Đoàn Thị Hồng (sinh năm 1983, ngụ phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2), Trần Thanh Phương (sinh năm 1975, ngụ phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) tham gia một nhóm kín có tên là “Hiến Pháp”, một nhóm chuyên phổ biến những cách hiểu sai lệch về các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội,… được quy định trong Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nhằm lôi kéo, kêu gọi người dân tham gia biểu tình.
Ngày 10/6/2018, Hạnh cùng các thành viên của nhóm “Hiến Pháp” tham gia biểu tình tại trung tâm Quận 1. Đầu tháng 8/2018, Hạnh nghe lời kêu gọi của một số đối tượng chống đối chính trị ở nước ngoài thông qua hình thức livestream trên mạng xã hội. Hạnh đã chia sẻ về trang Facebook cá nhân của mình 81 video có nội dung kêu gọi người dân xuống đường tham gia tổng biểu tình vào ngày 4/9/2018.
Hành vi của các bị cáo đã bị các cơ quan chức năng phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Quá trình điều tra, các bị cáo thừa nhận đã nhận tiền tài trợ của các đối tượng chống đối chính trị ở nước ngoài để làm kinh phí hoạt động, trong đó Nguyễn Thị Ngọc Hạnh nhận tổng cộng 400 USD, Hồ Đình Cương nhận tổng cộng 800 USD, Trần Thanh Phương nhận tổng cộng 200 USD...