Có tiền đem đi đầu tư đã khó nhưng xây dựng chính sách để kiểm soát hoạt động đầu tư sao cho hiệu quả, đảm bảo chất lượng lại càng khó hơn. Không quá “ồn ào” nhưng sự đổi mới của ngành Xây dựng lại thể hiện sự
quyết liệt, thận trọng, đi vào chiều sâu bằng những quan điểm khoa học,
sát thực tế.
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN |
Trong một năm, Bộ Xây dựng là “tác giả” thực hiện sửa đổi tới 3 Bộ Luật quan trọng từ Luật khung về Xây dựng đến 2 bộ luật được dư luận quan tâm là Nhà ở và Kinh doanh bất động sản cùng hàng chục nghị định với mục tiêu chính là chống thất thoát lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng. Đây là những hành lang pháp lý khung thúc đẩy hoạt động xây dựng phát triển toàn diện.
* Tăng vai trò điều tiết của nhà nướcCũng như các lĩnh vực khác, ngành xây dựng tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, hướng đi đã được xác định rất rõ ràng khi dồn mục tiêu tập trung cho công tác xây dựng thể chế, chính sách. Có thể nói, chưa bao giờ trong một năm mà Bộ Xây dựng làm tới 3 luật, đổi mới rất căn bản hệ thống chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị và nhà ở, đó là Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Cả 3 luật này dự kiến trình Quốc hội để ban hành trong năm 2014.
Trong khi các Luật chưa được ban hành thì Bộ Xây dựng đã kịp thời hoàn thiện các nghị định quan trọng trình Chính phủ ban hành, nhanh chóng đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. Điển hình là Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về Quản lý đầu tư phát triển đô thị; Nghị định số 15/2013/NĐ-CP về Quản lý chất lượng công trình xây dựng; Nghị định số 188/2013/NĐ-CP về Phát triển và quản lý nhà ở xã hội.... Những nghị định này đã cụ thể hóa quan điểm để phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, trong đó vừa coi trọng nguyên tắc thị trường để tạo động lực phát triển, đồng thời tăng cường vai trò của nhà nước trong giai đoạn đầu của nền kinh tế thị trường, đặc biệt là vai trò điều tiết của Chính phủ, hướng tới lợi ích của nhân dân.
Ngoài ra, các nghị định khác do Bộ Xây dựng soạn thảo được Chính phủ ban hành đều thể hiện các quan điểm, tư duy mới trong việc hoàn thiện thể chế quản lý, hướng đến lợi ích của người dân và xã hội.
* Bịt lỗ hổng thất thoátHiệu quả đầu tư thấp, chất lượng các công trình xây dựng chưa cao chính là những yếu tố gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội. Bởi vậy, nhanh chóng khắc phục những điểm yếu này đã trở thành đòi hỏi cấp bách.
Tăng cường quyền và trách nhiệm của các cơ quan, công chức quản lý nhà nước về xây dựng trong việc kiểm soát quá trình đầu tư xây dựng được thể hiện rõ trong Nghị định số 15. Đặc biệt, vấn đề tiền kiểm được đặt ra đối với thiết kế kỹ thuật và cả dự toán các công trình đầu tư bằng vốn nhà nước. Thay vì trước đây phần việc này thường chỉ giao cho chủ đầu tư thực hiện thì nay sẽ do cơ quan quản lý nhà nước đảm nhiệm.
Tiền của nhà nước phải được kiểm soát ngay từ những khâu đầu tiên của toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng. Các quan chức, công chức phải đứng ra gánh trách nhiệm đó chứ không thể giao cho chủ đầu tư, dễ dẫn đến thông đồng giữa nhà thầu, nhà tư vấn với nhau gây thất thoát. Bởi vậy, không những chất lượng công trình được kiểm soát để bảo đảm an toàn mà còn giúp bịt lỗ hổng gây thất thoát vốn nhà nước.
Từ tháng 4/2013 khi Nghị định số 15 có hiệu lực, thống kê sơ bộ của 46/63 tỉnh thành phố đã cho thấy hiệu quả của công tác “tiền kiểm” là cắt giảm được 2.305 tỷ đồng trên tổng số vốn dự toán 27.443 tỷ đồng, (tương đương 8,4%), của dự toán 3.048 công trình vốn ngân sách nhà nước. Nếu tính mức trung bình 8,4% này thì mỗi năm, trong 250.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng từ vốn ngân sách có thể cắt giảm được khoảng 20.000 tỷ đồng. Như vậy, chỉ cần một chính sách đúng đã tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ đồng cho nhà nước, vừa góp phần chống thất thoát vừa nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết phải rất quyết liệt mới “có được” Nghị định 15 bởi không phải mọi ý kiến đều đồng thuận từ đầu vì còn e ngại chuyện thủ tục. Tuy nhiên, thủ tục là cần thiết nhưng phải làm sao để thủ tục vẫn chặt chẽ mà không gây phiền hà. Hiện nay, nếu có tiền đem đi đầu tư thì rất dễ, quá đơn giản nhưng làm chính sách để kiểm soát hoạt động đầu tư sao cho hiệu quả, sao cho đảm bảo chất lượng mới khó. Đó cũng chính là giữ tiền cho ngân sách, cho dân.
* Hướng tới người dânCùng với các thể chế, chính sách giúp tăng cường vai trò điều tiết của nhà nước, bịt lỗ hổng gây thất thoát vốn ngân sách, tiết kiệm hàng chục ngàn tỷ đồng thì Nghị định 188 về Phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã tập trung hướng sự hỗ trợ tới người dân và cụ thể hóa các quan điểm của Chiến lược phát triển nhà ở.
Theo đó, các chính sách để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng khó khăn về nhà ở cả đô thị và nông thôn được quy định rõ ràng. Ngay cả các hộ gia đình cũng được khuyến khích tham gia phát triển nhà ở xã hội bằng cơ chế, chính sách ưu đãi.
Thực hiện chính sách này, người dân được hỗ trợ rất lớn, không phải nộp tiền sử dụng đất, giảm thuế VAT đầu ra, hỗ trợ về tín dụng ưu đãi, chủ đầu tư chỉ được hưởng lợi nhuận định mức (10 - 15%)... Do đó, giá nhà ở sẽ rẻ hơn thị trường khoảng 30 - 40% tùy theo từng vị trí. Như vậy, cùng với thiết kế, quy mô căn hộ hợp lý, giá bán sẽ phù hợp với túi tiền của đại bộ phận người dân. Trong đó có người dân lao động tại đô thị, cán bộ công chức - viên chức, văn nghệ sỹ, trí thức, quân nhân chuyên nghiệp, lực lượng vũ trang, công nhân lao động khu công nghiệp... sẽ được hưởng lợi từ chính sách này.
Đáng chú ý là sự đổi mới căn bản về tư duy quản lý đô thị được thể hiển rõ nét trong Nghị định 11. Lần đầu tiên quan điểm quản lý đô thị phải theo quy hoạch và có kế hoạch được đưa ra để khắc phục tình trạng quản lý phát triển đô thị tràn lan, phong trào, thiếu quy hoạch, không có kế hoạch như thời gian vừa qua, dẫn đến khó khăn cho thị trường bất động sản, phát triển đô thị thiếu bền vững, gây lãng phí tài nguyên…
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, trước đây, việc đầu tư xây dựng bị vượt quá với khả năng nguồn lực, yêu cầu của sự phát triển đã dẫn đến nhiều dự án bị bỏ hoang, dự án treo, quy hoạch treo. Quy hoạch treo là do không có kế hoạch. Đáng lẽ phải phân định những khu nào cần thực hiện trước, khu nào thực hiện sau, hay có những khu vực không sử dụng vào mục đích khác.
Với những khu đất quy hoạch nhưng phải 10, 20 năm sau mới sử dụng thì cũng nên để người sử dụng đất được biết để có kế hoạch sử dụng cho phù hợp với mức độ đầu tư cũng như thời gian sử dụng của họ. Đó mới là tiết kiệm nguồn lực đầu tư, tránh tình trạng vừa làm xong lại phải phá bỏ vì vướng quy hoạch, rồi lại phải đền bù tốn kém cả công sức lẫn tiền bạc...
“Làm quy hoạch cũng phải sát thực tế của nền kinh tế chứ không tùy hứng vẽ ra rồi để đấy vì không có nguồn vốn để đầu tư xây dựng. Có quy hoạch nhưng cũng phải có kế hoạch thực hiện, cả về sử dụng đất lẫn sử dụng nguồn lực, phân bổ nguồn lực phù hợp với khả năng của nền kinh tế”, Bộ trưởng Dũng nói.
Năm 2014, Bộ Xây dựng tiếp tục coi việc hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và tiên quyết để tạo cơ sở luật pháp phục vụ cho công tác quản lý đầu tư xây dựng, phát triển đô thị và kiểm soát thị trường bất động sản phát triển một cách lành mạnh và bền vững. Hiệu quả từ các cơ chế, chính sách tốt đã khẳng định sự đúng hướng, phù hợp so với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của cuộc sống. Đây là chính là hành lang pháp lý khung giúp hoạt động xây dựng phát triển toàn diện.
Thu Hằng