Theo ông Nguyễn Quốc Chung, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh, hội nghị đã đánh giá khách quan, toàn diện tình hình phòng, chống dịch bệnh, phát triển kinh tế-xã hội 9 tháng của năm, dự báo đến hết năm 2021; tổng kết, đánh giá sự cần thiết, đúng đắn, hiệu lực, hiệu quả, cũng như những hạn chế, bất cập trong việc ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, biện pháp mới để xử lý các vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì, phát triển kinh tế - xã hội; phân tích khả năng hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ đã dự kiến cho năm 2021, nhất là mục tiêu, nhiệm vụ sớm kiểm soát được dịch bệnh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô...
Tại Bắc Ninh, 9 tháng năm 2021, đồng thời với việc triển khai tích cực Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tỉnh đã thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh, dịch bệnh đã được đẩy lùi và được kiểm soát tốt, kinh tế - xã hội đạt được một số kết quả tích cực: Kinh tế tăng trưởng, các lĩnh vực văn xã, an sinh xã hội được quan tâm, cải cách hành chính được tăng cường, an ninh trật tự, quân sự địa phương được đảm bảo. Tuy nhiên, cùng với tình hình chung của cả nước, Bắc Ninh cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc đối phó với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh và thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Thời gian tới, Bắc Ninh sẽ duy trì, kiểm soát tốt dịch bệnh, phát huy hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian qua. Đồng thời, tỉnh bám sát và kịp thời cập nhật kịch bản tăng trưởng để có giải pháp thiết thực, hiệu quả bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Tỉnh cũng tập trung triển khai tích cực các nghị quyết của Chính phủ, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của tỉnh trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. Bắc Ninh tăng cường các biện pháp tăng thu ngân sách, cơ cấu lại ngân sách nhằm đảm bảo cân đối hiệu quả sử dụng ngân sách, đáp ứng nhu cầu cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2021; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị. Đặc biệt là nâng cao ý thức kỷ luật, kỷ cương, tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người đứng đầu các cấp, ngành, đơn vị.
Ông Phùng Đức Chân, xã Đào Viên, huyện Quế Võ cho rằng, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết và quan trọng về đánh giá tình hình kinh tế, xã hội của đất nước tại Hội nghị. Ông đặc biệt tâm đắc là vấn đề sửa đổi, bổ sung Quy định số 47- QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm. "Sau 10 năm thực hiện, Quy định số 47 đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tuy nhiên, so với tình hình thực tế hiện nay, cùng với sự vận động của xã hội, có nội dung khó áp dụng gây khó khăn trong việc xem xét vi phạm của đảng viên, cần được bổ sung, sửa đổi. Hiện nay nhiều văn bản của Đảng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực đã được quy định rất cụ thể, do đó cần lựa chọn những biểu hiện cụ thể để bổ sung, sửa đổi Quy định số 47 sao cho phù hợp với tình hình hiện nay. Đây là cơ sở để mỗi đảng viên tự soi mình, và cũng giúp các cơ quan kiểm tra của Đảng kịp thời phát hiện, xử lý những cán bộ, đảng viên mắc khuyết điểm, chỉnh đốn Đảng thời gian tới", ông Chân nói.
Đối với vấn đề phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian qua, theo ông Phùng Đức Chân, Đảng, Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt góp phần khống chế, đẩy lùi dịch bệnh. Đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư này, trong giai đoạn đầu tỉnh Bắc Ninh bị ảnh hưởng dịch nặng nề, các cấp các ngành đã huy động lực lượng lớn, dồn sức chống dịch. Sau đó dịch bệnh đã nhanh chóng được kiểm soát. Giai đoạn sau này, dịch bệnh bùng phát ở các tỉnh, thành phố phía Nam, do diễn biến phức tạp của biến chủng mới, dịch bệnh gây thiệt hại lớn về người, tài sản, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế-xã hội. Các cấp chính quyền đã đưa ra hàng loạt các biện pháp chống dịch. Tuy nhiên, mất một thời gian dài mới đạt được kết quả. Điều đó, chứng tỏ dịch bệnh là nguy hiểm và phương pháp chống dịch của chúng ta đã đi đúng hướng.
Ông Phùng Đức Chân mong muốn, thời gian tới, các cấp chính quyền rút kinh nghiệm xây dựng kịch bản ứng phó với tình hình dịch bệnh, tránh bị động; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và sớm triển khai các gói hỗ trợ cho người dân.