Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính gần 56.000 tỷ đồng

Chiều 29/12, Kiểm toán Nhà nước tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ và công tác đảng năm 2023. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự Hội nghị.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn. Ảnh: quochoi.vn

Báo cáo tổng kết công tác năm 2022 cho thấy, mặc dù trong những tháng đầu năm, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động kiểm toán; đồng thời, tuy có sự thay đổi nhân sự Tổng Kiểm toán Nhà nước, song tập thể Ban cán sự đảng, Đảng ủy, lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Kiểm toán Nhà nước đã phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, quyết liệt, tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, khắc phục mọi khó khăn với phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, chất lượng và đạo đức công vụ”, bảo đảm ngành hoạt động liên tục, ổn định, thực hiện nhiệm vụ được giao đạt tiến độ, chất lượng và hiệu quả, với nhiều kết quả nổi bật.

Năm 2022, Kiểm toán Nhà nước xây dựng Kế hoạch kiểm toán với 178 nhiệm vụ kiểm toán. Ngoài nhiệm vụ kiểm toán báo cáo quyết toán của bộ, cơ quan trung ương, địa phương để xác nhận quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm và kiểm toán hoạt động theo Chiến lược phát triển của ngành, ngành tập trung kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước; nhiều chuyên đề có phạm vi rộng, dư luận xã hội quan tâm, nhằm đánh giá toàn diện việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước xuyên suốt từ trung ương đến địa phương; những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; những vấn đề quan trọng của đất nước phục vụ tích cực cho các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Tổng hợp kết quả kiểm toán đến ngày 15/12/2022, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 55.906 tỷ đồng, trong đó tăng thu ngân sách nhà nước 3.070 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 25.7 tỷ đồng, kiến nghị khác 27.149 tỷ đồng. Ngoài ra, kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 243 văn bản pháp luật không phù hợp. Qua kiểm toán cũng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm kịp thời đối với những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán. 

Trong năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định 08 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán; cung cấp 830 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và tài liệu có liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra Bộ Công an và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát, trong đó có nhiều vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. 

Nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, Kiểm toán Nhà nước xác định phương hướng nhiệm vụ năm 2023 là siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của Kiểm toán Nhà nước; hoàn thành toàn diện kế hoạch hoạt động năm 2023 trên tinh thần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán; tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua hoạt động kiểm toán. Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế, nâng cao vai trò và vị thế của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Phát huy vai trò Kiểm toán Nhà nước là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, với phương châm hành động “Chất lượng và đạo đức công vụ”.

Kiểm toán Nhà nước cũng đề ra một loạt giải pháp để triển khai các nhiệm vụ 2023, trong đó nhấn mạnh tới giải pháp nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phương pháp và cách thức tổ chức thực hiện kiểm toán với một số giải pháp chủ yếu: Xây dựng phương án tổ chức kiểm toán năm 2023 khoa học, hiệu quả, lồng ghép các đoàn, nội dung kiểm toán hợp lý, hiệu quả tại các đơn vị, đầu mối để giảm thiểu tác động và ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán đến các hoạt động thường xuyên của đơn vị. Đặc biệt không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm toán quá 1 lần/năm về cùng 01 nội dung đối với 01 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo đúng tinh thần Nghị quyết số 75/2022/QH15...

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh kiểm toán tổng hợp nhằm đánh giá sâu và toàn diện công tác quản lý, điều hành của từng cấp, từng đơn vị, cũng như tập trung đánh giá cơ chế, chính sách của Nhà nước, đặc biệt các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách có ảnh hưởng rộng, lớn đến đời sống kinh tế - xã hội...

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao và biểu dương kết quả, thành tích mà Kiểm toán Nhà nước đã đạt được trong năm 2022. Với các kết quả nổi bật trong các mặt công tác,  Kiểm toán Nhà nước ngày càng khẳng định vị thế của mình, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Về các nhiệm vụ năm 2023, Phó Chủ tịch Quốc hội  đề nghị Ban cán sự Đảng, Đảng ủy và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động Kiểm toán Nhà nước tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương để hoàn thành toàn diện kế hoạch công tác đề ra. Đồng thời, tiếp tục bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, nghị quyết của Quốc hội, chiến lược Kiểm toán Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ năm 2023 đảm bảo tiến độ, chất lượng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả. Chủ động tham gia ý kiến về các luật sẽ được đưa vào kế hoạch xây dựng pháp luật rất quan trọng như Luật Đất đai (sửa đổi), các luật liên quan đến quản lý giá, đấu giá, đấu thầu, mua sắm công, những vướng mắc về cơ chế BOT...

Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện phương pháp lập kế hoạch kiểm toán, thực hiện có hiệu quả phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu theo từng lĩnh vực; đẩy mạnh công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong hoạt động kiểm toán; cung cấp kịp thời các thông tin phát hiện kiểm toán quan trọng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Hội đồng nhân dân các cấp trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Kịp thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua kiểm toán.

Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, giảm số lượng, giảm chồng chéo, tăng chất lượng, siết chặt kỷ cương là phương châm hành động của Kiểm toán Nhà nước trong năm 2023. Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu, từng cá nhân, từng đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị tập trung xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng nhiệm vụ để bố trí nguồn lực rõ ràng, hiệu quả. Tăng cường kiểm tra, giám sát trong hoạt động; siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kiểm toán. Đổi mới phương thức, nội dung đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, tập trung vào lĩnh vực mới, khó như kiểm toán môi trường, kiểm toán công nghệ thông tin...

Ngọc Bích (TTXVN)
Kiểm toán Nhà nước ban hành Kế hoạch kiểm toán năm 2023
Kiểm toán Nhà nước ban hành Kế hoạch kiểm toán năm 2023

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn vừa ban hành Quyết định số 1482/QĐ-KTNN về việc kế hoạch kiểm toán năm 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN