Kiến nghị phối hợp đưa người dân miền Tây về quê có tổ chức, an toàn

UBND tỉnh Long An vừa có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo chung đối với các tỉnh, thành phố trong khu vực phía Nam trong việc phối hợp tổ chức đưa, đón người dân của mình trở về địa phương một cách kịp thời và an toàn.

UBND tỉnh Long An cũng đã gửi công văn gửi tới các tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ về việc phối hợp tổ chức đón người dân của họ có nhu cầu trở về địa phương.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ của người dân khi qua chốt kiểm soát dịch trên Quốc lộ 1. 

Mặt khác, đối với người lao động ngoại tỉnh đang sinh sống, làm việc trên địa bàn Long An, lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ bố trí phương tiện đưa về địa phương nếu các tỉnh, thành phố, nơi thường trú của các công dân đó, đồng ý tiếp nhận.

Đồng thời, UBND tỉnh Long An cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân không tự ý di chuyển ra khỏi địa bàn theo Công điện 1265/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục kiểm soát người ra, vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An.

Việc đưa đón có tổ chức và an toàn đối với người lao động ngoại tỉnh về quê từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An là nhu cầu có tính thực tiễn rất cao.

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại khu vực chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên Quốc lộ 1 (khu vực giáp với tỉnh Tiền Giang), hàng ngàn người dân di chuyển bằng xe máy đang đứng chờ để qua chốt. Phần lớn trong số đó là công nhân, lao động tự do đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh.

Sau thời gian dài giãn cách xã hội, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, không thể tiếp tục bám trụ nên họ tự ý về quê. Họ xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh từ chiều 30/9, nhưng đến chốt kiểm soát dịch thuộc địa phận huyện Bình Chánh thì bị kẹt lại, đến rạng sáng 1/10 mới qua được chốt. Trong số đó, nhiều người già, trẻ em tỏ vẻ rất mệt mỏi do cả đêm không ngủ.

Phần lớn người về quê trong đợt này có hộ khẩu thường trú ở các tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng…

Vợ chồng anh Nguyễn Thành Thuận cùng 2 người con xuất phát từ huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) từ khoảng 24 giờ ngày 30/9, nhưng đã bị kẹt ở chốt kiểm soát dịch trên Quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Bình Chánh, đến rạng sáng 1/10 mới qua được chốt này để chạy về địa phận tỉnh Long An. Cả gia đình mong muốn được về quê ở huyện Châu Phú (An Giang) một cách thuận lợi, an toàn.

Anh Thuận cho biết, hai vợ chồng anh đến TP Hồ Chí Minh làm phụ hồ được một thời gian ngắn thì dịch bệnh bùng phát. Suốt thời gian thành phố thực hiện giãn cách, cuộc sống của 4 thành viên gặp rất nhiều khó khăn, phải trông cậy vào sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Nghe người ta “đồn” (không có căn  cứ) rằng đêm khuya sẽ được qua chốt nên cả gia đình anh kéo nhau về quê, không ngờ bị kẹt lại đến gần sáng.

Tương tự, anh Tăng Văn Lợi (quê huyện Giồng Riềng, Kiên Giang) chia sẻ, anh cùng vợ lên làm phụ hồ ở huyện Bến Lức, Long An. Nhưng nhiều tháng nay, công trình đóng cửa, vợ chồng anh thất nghiệp không có chi phí để chi tiêu. Khi nghe tin đồn là "có thể về quê" nên vợ chồng anh chở 2 con nhỏ về nhà để đi học.

Vì lý do nhân đạo và cũng là để hạn chế việc lây lan dịch bệnh, lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại Long An đã lập danh sách "nóng" để hỗ trợ phương tiện để người dân qua chốt một cách có tổ chức, an toàn cũng như hỗ trợ nước uống, bánh, sữa…, đặc biệt là đối với người già, phụ nữ và  trẻ em.

Trước thực tế người dân từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đổ xô về quê và đang kẹt lại ở Long  An, chính quyền tỉnh Long An đã liên hệ với các địa phương là nơi thường trú của các công dân nói trên, đề nghị về việc tổ chức tiếp nhận một cách có tổ chức. Sau khi thống nhất với nơi đón nhận, lực lượng chức năng tại chốt ở Long An lập danh sách, kiểm tra giấy tờ tùy thân, giấy xét nghiệm, chứng nhận tiêm vaccine phòng COVID-19 để giải quyết cho qua chốt. Địa phương nơi đến sẽ bố trí lực lượng chức năng đón tại địa phận của mình, tổ chức đưa người dân đi cách ly theo quy định.

Hiện tại, ở khu vực chốt kiểm soát dịch trên Quốc lộ 1 (giáp ranh vói tỉnh Tiền Giang) lực lượng chức năng tỉnh Tiền Giang đã có mặt để hỗ trợ, tổ chức phương tiện dẫn đường đưa người dân qua địa phận của mình.

Trước đó, ngày 30/9, cũng đã có hàng ngàn người dân về quê và bị kẹt lại tại tỉnh Long An. Lãnh đạo tỉnh đã tổ chức đối thoại, vận động người dân quay trở lại các khu vực tạm trú, không tự ý di chuyển nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh; đồng thời, cam kết sẽ thực hiện các chính sách hỗ trợ thiết thực như tiêm vaccine, giới thiệu việc làm, hỗ trợ kinh phí… Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn tha thiết mong được về quê hương.

Tin, ảnh: Bùi Giang (TTXVN)
Đồng Nai: Đưa người dân từ trạng thái chống dịch thụ động sang chủ động
Đồng Nai: Đưa người dân từ trạng thái chống dịch thụ động sang chủ động

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Nai diễn ra ngày 13/9, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định: Không vì lo sợ mà siết “vùng xanh” như “vùng đỏ”. Mở cửa “vùng xanh” để người dân có cuộc sống bình thường, như thế “vùng xanh” mới phát huy hết ý nghĩa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN