Kiến nghị từng bước chuẩn hóa hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em

Sáng 27/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Vấn đề này nhận được rất nhiều sự quan tâm của các cử tri, người dân Thủ đô Hà Nội.

Chú thích ảnh
Các đại biểu Quốc hội xem video clip tại phiên họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Luật sư Diệp Năng Bình (Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật) đánh giá: Mặc dù quá trình phát triển kinh tế - xã hội còn gặp không ít khó khăn, thách thức lớn nhưng chúng ta vẫn tự hào và vui mừng khi thấy trẻ em Việt Nam ngày càng được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục tốt hơn. Các quyền của trẻ em ngày càng được nâng cao. Đảng và Chính phủ đang tiếp tục đầu tư và dành cho thế hệ tương lai những điều tốt đẹp nhất. Chính sách, pháp luật tiếp tục được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong tình hình mới. 

Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhận ra những hạn chế trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em. Theo số liệu báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội, tình trạng xâm hại trẻ em vẫn xảy ra, trong đó nhiều vụ xâm hại nghiêm trọng được phát hiện, xử lý. Ngoài ra, còn một số lượng khá lớn trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động, trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc và trẻ em tảo hôn…

Một số quy định của Luật Trẻ em và các luật có liên quan chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ nên còn khó khăn trong tổ chức thực hiện; một số chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong các nghị định liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa bảo đảm tính răn đe. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em chưa được tiến hành thường xuyên; hình thức tuyên truyền chậm đổi mới; nội dung tuyên truyền còn nghèo nàn, chưa thiết thực.

Sự đầu tư của Nhà nước cho bảo vệ trẻ em chưa tương xứng với các lĩnh vực chăm sóc, giáo dục. Cơ cấu tổ chức, nhân lực làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em có giai đoạn chưa được quan tâm đúng mức, chậm được củng cố, thiếu chính sách thích hợp…

Theo luật sư Diệp Năng Bình, để hạn chế, khắc phục tình trạng trên cần có nhiều giải pháp đồng bộ để tăng cường bảo vệ trẻ em. Trong đó, cần tăng cường đổi mới truyền thông, giáo dục, tư vấn về bảo vệ trẻ em cho các bậc cha mẹ, các thành viên trong gia đình và trẻ em; tuyên truyền cho mọi người nhằm nâng cao kỹ năng sống hòa hợp, kỹ năng bảo vệ trẻ em, không sao nhãng, không bạo lực, xâm hại trẻ em dưới bất cứ hình thức nào. Đồng thời, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cha mẹ và người thân nhằm xây dựng thiết chế gia đình bền vững. Để tránh những sự việc đau lòng do tội phạm xâm hại tình dục gây nên, cha mẹ cần thường xuyên để mắt, quan tâm, chia sẻ với con em mình để nhận thấy những thay đổi tâm, sinh lý cần thiết.

Bên cạnh đó, khả năng nhận thức và tự bảo vệ của trẻ em còn nhiều hạn chế nên các em chính là đối tượng có nguy cơ bị lạm dụng, xâm hại tình dục cao nhất. Vì vậy, cha mẹ cũng cần phải trang bị cho con cái biết cách thức phòng vệ trước những đối tượng có ý định thực hiện hành vi đồi bại; chia sẻ với con về giới tính, tình dục tuổi mới lớn. Cha mẹ tránh sử dụng bạo lực khi con có sai phạm, phải nâng đỡ, tôn trọng ý kiến của con, phải biết kiềm chế khi gặp phản ứng khó kiểm soát của con. Cha mẹ không chủ quan giao con còn nhỏ cho người khác...

Luật sư Diệp Năng Bình kiến nghị, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các cấp cần đầu tư kịp thời để nâng cấp, từng bước chuẩn hóa hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em, đặc biệt là các dịch vụ phát hiện sớm, phòng ngừa và can thiệp khẩn cấp các trường hợp trẻ em bị tổn thương, có nguy cơ tổn thương do bị bạo lực, bị xâm hại. Cùng với các dịch vụ công do Nhà nước thực hiện, cần có chính sách khuyến khích xã hội hóa dịch vụ bảo vệ trẻ em đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ sự vận hành của hệ thống dịch vụ này để đảm bảo chất lượng, thân thiện với trẻ em.

Tiến sĩ Nguyễn Việt Phương (giảng viên Trường Đại học Hà Nội) cho rằng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin cùng những diễn biến phức tạp của tội phạm công nghệ cao khiến trẻ em ngày càng đứng trước nhiều nguy cơ bị xâm hại. Tuy nhiên, chúng ta lại chưa có các văn bản quy định việc nhận dạng, dẫn đến khó khăn trong quản lý đối tượng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng. Do đó, Chính phủ cần quy định rõ ràng về trách nhiệm, quyền hạn của các ngành, cấp trong công tác phòng ngừa, tiếp nhận thông tin, can thiệp sớm, bảo vệ khẩn cấp, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em bị xâm hại, bóc lột, trẻ em bị mua bán... 

"Trẻ em là thế hệ tương lai của đất nước, là mầm xanh cần được bảo vệ, bồi dưỡng. Một tác động tiêu cực dù là nhỏ nhất cũng có thể để lại nhiều hậu quả khôn lường. Vì vậy, vấn đề an toàn cho trẻ em, nhất là nơi công cộng, trong trường học, nơi làm việc, ngoài xã hội, an toàn trên môi trường mạng cần phải được xem là trọng tâm, cần được tập trung để kiềm giảm tội phạm xâm hại trẻ em" - Tiến sĩ Nguyễn Việt Phương nhấn mạnh.

* Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh có 509.946 trẻ em, chiếm 26,15% dân số trên địa bàn. Giai đoạn 2015 - 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có 183 vụ xâm hại tình dục. Riêng năm 2019, trong toàn tỉnh xảy ra 46 vụ xâm hại trẻ em, trong đó xâm hại tình dục là 37 vụ. Đối tượng phạm tội đa dạng nhưng chủ yếu là người quen biết, hàng xóm, thậm chí là người ruột thịt, người thân trong gia đình. Điều đáng lo ngại là có trường hợp sau khi hiếp dâm đã có ý định giết nạn nhân là trẻ em để che giấu hành vi phạm tội. Các vụ việc xâm hại trẻ em không những để lại hậu quả nặng nề về thể chất, tinh thần cho trẻ em mà còn gây hoang mang, bất bình trong quần chúng nhân dân.

Là một người mẹ có con gái 11 tuổi và đang điều hành một trung tâm dạy kỹ năng sống, chị Trần Thị Hải Yến (phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, qua các phương tiện thông tin đại chúng, chị Yến thấy có nhiều sự việc xâm hại trẻ em. Bản thân có con gái nhỏ nên chị Yến rất lo lắng. Chị Yến kiến nghị, cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn những video clip, thông tin xấu phát hành trên mạng xã hội, Youtube… xử lý nghiêm khắc người phát tán băng, đĩa, video, thông tin xấu có khả năng ảnh hưởng đến trẻ. Quốc hội cần xem xét các điều luật nâng mực phạt đối với những đối tượng xâm hại trẻ em để răn đe, phòng ngừa.

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk Trần Phú Hùng, nguyên nhân dẫn đến xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua chủ yếu do công tác thông tin, truyền thông pháp luật về bảo vệ và chăm sóc, giáo dục trẻ em chưa phủ sóng hết đến các đối tượng và địa bàn, nhất là vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều bậc cha mẹ thiếu sự hiểu biết về tâm sinh lý trẻ em, thiếu nhận thức về nguy cơ con em bị xâm hại và chưa có những chia sẻ về vấn đề tâm sinh lý, giới tính đối với trẻ em. Mâu thuẫn, bạo lực gia đình dẫn đến hôn nhân tan vỡ, trẻ em bị xao lãng, lạm dụng, xâm hại... Đặc biệt, trong nhiều gia đình cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và chính trẻ em chưa chủ động tố giác, cung cấp thông tin về tội phạm, ảnh hưởng tới quá trình điều tra, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em.

Ông Trần Phú Hùng kiến nghị, Chính phủ, Quốc hội cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn phân định rõ hơn vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp liên ngành trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em nói chung, công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng; bổ sung quy định, chế tài có sức răn đe mạnh hơn để phòng ngừa xâm hại trẻ em; quan tâm, hỗ trợ thêm nguồn lực để thực hiện các mục tiêu trong Chương trình hành động vì trẻ em. Các bộ, ngành trung ương cần sớm nghiên cứu, ban hành các quy định pháp luật về vai trò, vị trí, nhiệm vụ của nghề công tác xã hội.

Chú thích ảnh
Ông Y Khút Niê, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk phát biểu thảo luận tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN phát

Trước tình trạng trẻ em trên địa bàn tỉnh có nguy cơ bị xâm hại còn cao, ông Y Khút Niê, Phó trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk, cho biết, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV, cùng với đề xuất tăng cường các biện pháp về tuyên truyền phổ cập giáo dục, thực hiện giám sát về công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề xuất Quốc hội nghiên cứu, bổ sung các tình tiết tăng nặng trong tội danh bạo lực, xâm hại tình dục đối với trẻ em. Cụ thể, Quốc hội cần hoàn thiện các cơ chế chính sách pháp luật liên quan tới xâm hại trẻ em, trong đó cần phải có những quy định cụ thể, chi tiết và chặt chẽ hơn để đề cao các chế tài, quy định các mức xử phạt tăng nặng hơn; cần bổ sung, tăng cường về nguồn lực, về kinh phí và về con người làm công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Cùng với đó, Trung ương cần ưu tiên nguồn lực, hoặc phân luồng các dự án phát triển dành cho trẻ em địa bàn miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm về trợ giúp pháp lý cho trẻ bị xâm hại, luật sư La Văn Tờn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk, cho rằng khung hình phạt xử phạt tội phạm hiếp dâm hoặc giao cấu, dâm ô với trẻ em thấp nhất hiện nay là 7 năm tù, cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, Quốc hội cần đề ra những giải pháp căn cơ để hạn chế và phòng ngừa các vụ việc trẻ em bị xâm hại; ngoài xét xử hình sự, cần nâng mức chế tài xử phạt hành chính, xử phạt về bạo lực gia đình… Bên cạnh đó, các cấp các ngành cần tuyên truyền sâu rộng kiến thức pháp luật trong cộng đồng; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa "ba nhà": nhà mình - nhà trường - nhà xã hội trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em; gia đình cần quan tâm, giáo dục đạo đức, giới tính, tâm tư tình cảm với con cái.

Luật sư La Văn Tờn cho rằng Quốc hội cũng cần xem xét thêm về mức bồi thường thiệt hại là tối đa 10 tháng lương tối thiểu đối với người bị hại trong các vụ xâm hại trẻ em, đây là mức chưa tương xứng với tổn thất tinh thần, thể chất và hệ quả lâu dài mà trẻ em phải chịu đựng sau khi các vụ việc xảy ra.

Nguyễn Hoàng - Hoài Thu (TTXVN)
Những kiến nghị của Đoàn giám sát của Quốc hội về phòng, chống xâm hại trẻ em
Những kiến nghị của Đoàn giám sát của Quốc hội về phòng, chống xâm hại trẻ em

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, sáng 27/5, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, đại diện Đoàn giám sát của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em" báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, từ ngày 1/1/2015-30/6/2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN