Tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, việc sáp nhập các thôn, tổ dân phố có quy mô nhỏ trên cơ sở được chia tách ra từ các làng trước đây; các thôn, tổ dân phố có cùng phong tục tập quán. Khi sáp nhập, huyện cũng tiến hành nhất thể hóa được chức danh Bí thư kiêm Trưởng thôn, với tỷ lệ đạt 93% số thôn, tổ dân phố đã sáp nhập.
Giao thông nội đồng xã Định Tân (Yên Định) được kiên cố hóa. Ảnh: baothanhhoa.vn |
Trong quá trình thực hiện phải hoàn chỉnh hồ sơ theo tiến độ, theo từng nội dung. Huyện cũng có chính sách hỗ trợ thỏa đáng đối với những người nghỉ chế độ do sáp nhập thôn, tổ dân phố. Với cách làm sáng tạo này, huyện Yên Định đang tiến hành sáp nhập 139 thôn, tổ dân phố (giảm được 53,6% tổng số thôn, tổ dân phố của huyện), giảm trên 600 nhân sự ở cấp thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện.
Tạo đồng thuận cao trong việc sáp nhập thôn, tổ dân phố Trước đây, huyện Yên Định có 259 thôn, tổ dân phố, với tổng số trên 1.500 cán bộ, ngân sách các cấp chi cho cho đội ngũ cán bộ này lên đến 15 tỷ đồng (chưa tính các khoản đóng góp của nhân dân và các tổ chức khác chi trả) và chi cho mỗi thôn 8 triệu đồng/năm. Thực tế này cho thấy, bộ máy cấp cơ sở còn cồng kềnh, khó huy động nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện kế hoạch sáp nhập các thôn, tổ dân phố, các xã của huyện Yên Định đều thành lập Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch rà soát lại các thôn về diện tích đất đại, số nhân khẩu, số hộ, cơ sở vật chất, phong tục tập quán, tư tưởng, nguyện vọng của cán bộ và nhân dân để đưa ra lộ trình sáp nhập phù hợp. Các cấp chính quyền, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân đồng thuận với chủ trương sáp nhập các thôn, tổ dân phố có đủ điều kiện.
Xã chỉ đạo các thôn tiến hành họp để thống nhất phương án sáp nhập, giải đáp những thắc mắc của người dân để đi đến tạo sự thống nhất cao. Trường hợp đặc biệt, nếu đến lần thứ 3 xã vẫn chưa thống nhất được phương án sáp nhập và nhất thể hóa các chức danh Bí thư kiêm Trưởng thôn, Chủ tịch các tổ chức đoàn thể thì huyện mới ra quyết định sáp nhập và điều động người ở địa phương khác về làm Trưởng thôn kiêm Bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố. Tại những địa phương có những dòng họ lớn, dễ có tình trạng bầu cho người trong họ, nhưng nếu xác định người được chọn trong dòng họ đó không đủ năng lực, phẩm chất, huyện Yên Định cũng cân nhắc lên phương án cử người địa phương khác về.
Trong quá trình chỉ đạo sáp nhập thôn, tổ dân phố, huyện Yên Định rút ra kinh nghiệm là phải chỉ đạo tập trung, đồng bộ trong thời gian nhất định, không kéo dài. Khi triển khai phải hoàn chỉnh hồ sơ theo tiến độ, theo từng nội dung, không phải xong các bước rồi mới tổ chức hoàn thiện hồ sơ sáp nhập, bởi làm cách này sẽ bị chậm và không chặt chẽ. Quá trình sáp nhập thôn, tổ dân phố phải thực sự dân chủ, phát huy tính chủ động của người dân, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân để mọi người nhận thức và đồng thuận với chủ trương sáp nhập này. Cấp ủy, chính quyền huyện, xã thường xuyên chỉ đạo, giám sát, tiến hành tổng kết, sơ kết đúc rút kinh nghiệm và phải có phương pháp chỉ đạo dân chủ nhưng tập trung và cương quyết…
Ông Lưu Vũ Lâm, Chủ tịch UBND huyện Yên Định cho biết: Khi tiến hành sáp nhập cũng có những người phải nghỉ chế độ và có những tâm tư, nguyện vọng. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã vận động, tuyên truyền, làm tốt công tác nhân sự, đồng thời có chính sách hỗ trợ cho người nghỉ chế độ với mức từ 3,9 triệu đồng đến 11,3 triệu đồng/người (tùy theo cán bộ được hưởng hệ số phụ cấp từ 0,3-0,9). Khi sáp nhập, huyện cũng tiến hành nhất thể hóa được chức danh Bí thư kiêm Trưởng thôn, với tỷ lệ đạt 93%.
Với cách làm này, đến tháng 5/2018, nhiều xã trong huyện đã sáp nhập được trên 50% số thôn trong xã. Điển hình như các xã: Định Tiến từ 16 thôn xuống còn 6 thôn, Yên Thọ từ 12 thôn còn 5 thôn, Yên Ninh từ 10 thôn còn 5 thôn...
Tại xã Yên Thọ, khó khăn lớn nhất là ghép các thôn 6, thôn 7 và thôn 12 với nhau (trong đó thôn 12 là thôn công giáo toàn tòng). Khi đưa ra họp, nhiều người dân ở thôn 12 cho rằng họ không chấp thuận ghép vì đặc thù của người công giáo cũng có những khác biệt. Hơn nữa, nhiều người dân thôn 12 lo ngại thôn mình ít đảng viên, khi ghép thôn thì quyền lợi sẽ không được đảm bảo. Trước thực trạng đó, lãnh đạo xã đã trực tiếp tuyên truyền về những mặt được sau khi ghép thôn để mọi người dân thật sự yên tâm. Với quyết tâm chỉ đạo, tuyên truyền, giải thích cho nhân dân nên “mưa dầm thấm lâu”, người dân đã hiểu hơn và đồng thuận trong cách làm của xã.
Chủ tịch UBND xã Yên Thọ Hoàng Xuân Bình khẳng định: “Quan trọng là tất cả cán bộ, đảng viên trong xã và các thôn 6, 7 và 12 phải đồng thuận trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phải tổ chức được hội nghị để nhân dân bàn bạc thống nhất với chủ trương. Điều nhìn thấy rõ nhất kể từ sau khi sáp nhập đến nay ở cả 3 thôn là đã tạo sự gắn bó, thống nhất, đồng bào lương giáo ngày càng thắt chặt hơn".
Còn tại xã Yên Lạc, ông Lê Văn Quân - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Khi mới đưa ra phương án sáp nhập các thôn, nhiều người dân cũng có ý kiến phản đối, bởi họ nghĩ rằng cuộc sống họ đang yên ổn, sáp nhập thôn sẽ rất khó khăn trong sinh hoạt, giữ gìn và phát huy nét văn hóa truyền thống của địa phương. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ về ý nghĩa và mục đích của việc sáp nhập thôn nên người dân đã nhiệt tình hưởng ứng”