Kỳ họp HĐND tỉnh Tây Ninh: 'Nóng' vấn đề phân bón giả, sốt đất ảo

Ngày 20/7, Kỳ họp thứ 4, Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh khóa X nhiệm kỳ 2021-2026 tiến hành phiên chất vấn. Các vấn đề liên quan đến phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật giả, sốt đất ảo, chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân làm "nóng" phiên chất vấn.

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm chủ Kỳ họp.

Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả gây thiệt hại cho nông dân

Trả lời câu hỏi của đại biểu về tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giống cây trồng kém chất lượng gây thiệt hại cho người dân trong bối cảnh giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có 10 công ty sản xuất và 479 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với 2.824 sản phẩm lưu thông (chủ yếu sản phẩm của công ty sản xuất ngoài tỉnh).

Tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giống cây trồng kém chất lượng trên địa bàn diễn ra tương đối phức tạp. Mặc dù ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên thanh kiểm tra, xử lý nhưng vẫn còn trường hợp vi phạm. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2022, qua kiểm tra, ngành phát hiện 9/40 cơ sở vi phạm điều kiện sản xuất, kinh doanh và nhãn hàng hóa; 24/99 mẫu vi phạm về chất lượng; xử phạt hành chính 22 trường hợp với số tiền 419,2 triệu đồng.

Về nguyên nhân, ông Nguyễn Đình Xuân cho rằng, các công ty sản xuất, cơ sở kinh doanh sản phẩm giả, kém chất lượng hoạt động ngày càng tinh vi (số lượng bày bán ít nhằm né tránh thanh tra, xử phạt và truy xuất nguồn gốc). Nếu bị cơ quan chức năng phát hiện, mức xử phạt thấp hơn so với lợi nhuận thu được.

Ngoài ra, các công ty sản xuất không đóng trên địa bàn tỉnh mà thông qua đại lý để bán sản phẩm. Do đó, khi phát hiện sai phạm, cơ quan chức năng chỉ xử phạt đại lý kinh doanh sản phẩm đó, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định, không thể xử lý toàn bộ lô hàng và công ty sản xuất ra.

Về giải pháp, trước mắt, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho tổ chức, cá nhân không tham gia, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, sản xuất kinh doanh, buôn bán phân bón, thuốc giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ngành sẽ hướng dẫn người dân phân biệt hàng giả, nhái, kém chất lượng và lựa chọn sản phẩm có uy tín; tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin, thanh tra, kiểm tra giữa các cơ quan chuyên môn, địa phương ngoài tỉnh nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm.

“Chúng tôi nhận định phải tăng cường xử lý hình sự để có tính răn đe cao hơn. Tôi tin rằng, nếu làm nghiêm thì vi phạm chắc chắn sẽ giảm”, ông Nguyễn Đình Xuân khẳng định.

Về vấn đề giống cây trồng, vật nuôi kém chất lượng, ông Nguyễn Đình Xuân nhìn nhận, rất khó để quản lý, bởi bằng mắt thường không thể phân biệt được giống 100% hay bị lai tạp. Theo quy định, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải quản lý cây gốc, tức cây đầu dòng từ nguồn giống, từ nơi cơ sở sản xuất giống và điều đáng nói là những cơ sở này thường không nằm trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Đình Xuân dẫn chứng, hiện nay, hầu hết các giống cây ăn quả ở Tây Ninh có xuất xứ từ các tỉnh miền Tây. Do vậy, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện quản lý, đảm bảo thủ tục nguồn giống đầy đủ; phối hợp với cơ quan của Bộ và các tỉnh lân cận để tìm và giới thiệu điểm cung cấp giống gốc tin cậy cho bà con...

Sốt đất ảo gia tăng, chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Vấn đề sốt đất ảo gia tăng và chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân cũng được các đại biểu quan tâm chất vấn tại kỳ họp.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh Kiều Công Minh lý giải nguyên nhân do đầu năm 2022 tình hình sốt đất gia tăng, đặc biệt việc phân lô, tách thửa, bán nền…, từ đó tạo cơn sốt đất ảo suốt thời gian qua tại nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Tây Ninh. Hơn nữa, do thông tin tỉnh đang xem xét ban hành văn bản mới quy định về tách thửa, hợp thửa theo hướng kiểm soát chặt hơn khiến các giao dịch về quyền sử dụng đất của người dân tăng nhanh ở các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện, gây tình trạng quá tải khi tiếp nhận khối lượng công việc tăng đột biến. Ngoài ra, ngành đang thực hiện dự án cơ sở dữ liệu đất đai trên toàn tỉnh. Khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ vừa giải quyết hồ sơ vừa cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai theo dự án, vừa đưa vào phần mềm một cửa nên 100% hồ sơ phải scan chuyển sang dữ liệu số nên mất thêm thời gian.

Chú thích ảnh
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh Kiều Công Minh trả lời chất vấn tại Kỳ họp. 

Ông Kiều Công Minh dẫn chứng, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng số hồ sơ đơn vị tiếp nhận là 134.528 hồ sơ, tăng 76,12% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó đã xử lý 128.747 hồ sơ (đúng hạn 124.012 hồ sơ và 4.735 hồ sơ quá hạn), còn lại 5.781 hồ sơ chưa giải quyết (trong hạn 5.093 hồ sơ và 8 hồ sơ quá hạn).

Để hoàn thiện hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính về đất đai, cùng với ngành Tài nguyên và Môi trường phải có sự phối hợp, tham gia của công chức địa chính xã, UBND cấp xã, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, ngành Thuế… nên thời gian giải quyết thủ tục kéo dài.

Cũng theo ông Kiều Công Minh, cơ quan thuế xác định nghĩa vụ tài chính chưa thực hiện kịp thời gian theo quy chế phối hợp dẫn đến chậm trễ. Tính đến ngày 24/6/2022, số lượng hồ sơ tồn đã chuyển qua cơ quan thuế là 15.327 hồ sơ (trong hạn 5.5345 hồ sơ, quá hạn 9.782 hồ sơ).

Trong khi đó, việc liên thông giữa phần mềm chuyên ngành về quản lý cơ sở dữ liệu đất đai và phần mềm một cửa chưa thực hiện thông suốt nên còn tình trạng phải nhập dữ liệu đầu vào trên cả 2 hệ thống phần mềm. Việc liên thông để chuyển thông tin thực hiện nghĩa vụ tài chính bằng hình thức điện tử cũng chưa thực hiện được. Vì vậy, việc phối hợp giữa hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai và ngành Thuế còn hạn chế…

Về giải pháp, ông Kiều Công Minh cho biết sẽ tăng cường nguồn lực cho hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai, đảm bảo nhu cầu công việc, hướng đến chủ động về phương tiện để tự luân chuyển hồ sơ không phải qua dịch vụ bưu điện. Ngành cũng rà soát, sàng lọc, chuyển đổi vị trí công tác hoặc thay thế viên chức, người lao động không đáp ứng yêu cầu đổi mới hiện nay; chấn chỉnh công tác trả kết quả cho người dân, bố trí theo trình tự khoa học, bổ sung thêm nhân viên trả kết quả hoặc có biện pháp phối hợp với bưu điện về thao tác nhắn tin liên hệ người dân đến nhận hồ sơ khi có kết quả hoặc trả bổ sung hồ sơ, hạn chế hồ sơ quá hạn và phản ánh của người dân về trả kết quả chậm.

Ông Nguyễn Thành Tâm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh đề nghị, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các biện pháp quản lý, kiểm soát chất lượng phân bón ngay từ nguồn cung ứng trong thị trường địa phương; tăng cường kiểm tra đại lý, cơ sở kinh doanh phân bón các loại trên địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm, thông tin rộng rãi để người dân biết, phòng tránh. 

Chú thích ảnh
Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh đặt câu hỏi chất vấn lãnh đạo các Sở, ngành. 

Ngành cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến về giống cây trồng vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp có chất lượng và được cơ quan chức năng kiểm soát để đảm bảo thông tin đầy đủ cho người dân tiếp cận, mua được sản phẩm có chất lượng.

UBND tỉnh chỉ đạo việc phối hợp liên ngành trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm về mua bán các loại phân bón, vật tư nông nghiệp, giống cây trồng trên địa bàn tỉnh để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong quản lý.  

Đối với vấn đề liên quan tới sốt đất ảo, chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vệ sinh môi trường... Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh đề nghị, ngành Tài nguyên và Môi trường cần có các giải pháp căn cơ hơn nữa nhằm hạn chế tối đa vụ việc phát sinh, gây phiền hà cho người dân.

Tin, ảnh: Thanh Tân (TTXVN)
HĐND TP Hải Phòng thông qua 28 nghị quyết phát triển kinh tế, xã hội 
HĐND TP Hải Phòng thông qua 28 nghị quyết phát triển kinh tế, xã hội 

Ngày 20/7, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng bế mạc Kỳ họp thứ 6, khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 sau 3 ngày làm việc. Các đại biểu nhất trí thông qua 28 nghị quyết liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN