Báo cáo với các đại biểu tham dự Kỳ họp, ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, trên cơ sở kết quả kiểm tra theo Kế hoạch 108/KH-UBND ngày 31/7/2009, UBND thành phố đã chỉ đạo khắc phục đối với 239 dự án đầu tư sử dụng đất nhưng chậm triển khai, theo 3 loại: Các dự án chậm hoàn thành trong vòng 24 tháng kể từ khi chủ đầu tư nhận dự án, dự án chưa đưa đất vào sử dụng sau 12 tháng và các dự án chậm triển khai giải phóng mặt bằng. Đến nay, UBND thành phố đã quyết định thu hồi 14 dự án với tổng diện tích 14,1 ha; 6 dự án khác đang được Sở Tài nguyên và Môi trường lập hồ sơ thu hồi theo quy định của pháp luật.
Giải trình một số vấn đề liên quan tới tình hình trường mầm non trên địa bàn thành phố hiện nay, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, hiện trên địa bàn Thủ đô có 837 trường mầm non, phân bổ tương đối đều ở 29 quận, huyện, thị xã, 557 xã, phường, thị trấn; trong đó có 3 trường mầm non công lập, chiếm 81,6%, thu hút 319.890 trẻ, chiếm 85,5%. So với năm học 2009 - 2010, tỷ lệ trẻ em đến trường mầm non công lập đã tăng 16%; bình quân khoảng 30 trẻ/lớp. Theo bà Ngọc, nguyên nhân của sự quá tải ở trường mầm non tại một số quận nội thành, khu đô thị mới trong thời gian qua, là do dân cư tăng cơ học quá nhanh; chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị và mức thu học phí quá chênh lệch giữa công lập và ngoài công lập, dẫn đến việc phụ huynh học sinh thường chọn cho con học trường công lập.
Để khắc phục quá tải cục bộ ở một số khu vực, trước mắt thành phố sẽ thực hiện đồng bộ việc phân tuyến hợp lý, công khai chỉ tiêu tuyển sinh và tiếp tục có sự đầu tư thỏa đáng để đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao đối với cấp học mầm non. Về lâu dài, thành phố sẽ xây dựng Quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó quan tâm đầu tư xây mới trường học, đảm bảo mỗi xã, phường, thị trấn và các khu đô thị có ít nhất 1 trường mầm non công lập.
Sau hai ngày làm việc (13 – 14/7), kỳ họp lần thứ hai HĐND TP Hồ Chí Minh khóa VIII đã bế mạc, thông qua nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm với mục tiêu phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu của cả năm 2011.
Tại kỳ họp, hàng loạt ý kiến và bức xúc của cử tri được nêu lên xung quanh các vấn đề của lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng như tình trạng quá tải bệnh viện, dịch bệnh gia tăng, chưa quản lý tốt an toàn vệ sinh thực phẩm, chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe công nhân còn hạn chế.
Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân khẳng định sẽ khắc phục những thiếu sót, tồn tại được các đại biểu nêu như việc thực hiện các chính sách đối với người lao động, công nhân; tổ chức thực hiện chương trình bình ổn; thực hiện các chính sách an sinh xã hội về y tế - giáo dục – môi trường… Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình bình ổn thị trường gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả, thị trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá, gian lận thương mại, đầu cơ, buôn lậu; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách bảo đảm an sinh xã hội; xử lý kiên quyết nạn đua xe trái phép, chống đối người thi hành công vụ, tình trạng đòi nợ thuê, bắt giữ người trái phép.
Trong hai ngày 13 - 14/7, kỳ họp thứ 2 - HĐND tỉnh Bình Thuận khóa IX đã tập trung đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2011 và thảo luận thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015.
Những tháng còn lại của năm 2011, tỉnh Bình Thuận tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; chỉ đạo chặt chẽ sản xuất vụ hè thu và vụ mùa, tập trung đầu tư chiều sâu, sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP; tích cực kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương xử lý những vướng mắc liên quan đến quy hoạch cát đen, giải quyết chồng lấn trong các quy hoạch cát đen, phong điện và du lịch.
Ngày 14/7, HĐND tỉnh Đồng Nai đã khai mạc kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khóa VIII (nhiệm kỳ 2011-2016) để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, thực thi pháp luật trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm nay; bổ sung, điều chỉnh các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2011 do yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Đồng Nai đã thống nhất theo tờ trình của UBND tỉnh Đồng Nai về 3 chỉ tiêu cần điều chỉnh, gồm: Chỉ tiêu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài từ 1,5 - 1,7 tỷ USD xuống còn 850 triệu USD; thu hút vốn đầu tư trong nước từ 30.000 - 35.000 tỷ đồng xuống còn 15.000 tỷ đồng và chỉ tiêu về tổng vốn đầu tư trên địa bàn xuống còn 34.000 tỷ đồng.
TTN