Luật này gồm 8 Chương, 50 Điều quy định về hoạt động điện ảnh; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; quản lý nhà nước về điện ảnh.
Về nguyên tắc hoạt động điện ảnh, Luật quy định: Xây dựng nền điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của nhân dân và hội nhập quốc tế; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo đảm tính nhân văn, thẩm mỹ và giải trí; tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo trong khuôn khổ của pháp luật, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; bảo đảm sự bình đẳng, cạnh tranh công bằng của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh và phát triển công nghiệp điện ảnh... Luật Điện ảnh (sửa đổi) có hiệu lực ngày 1/1/2023.
Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, vấn đề phổ biến phim trên không gian mạng (Điều 21) còn có ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ 1: Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức đề nghị kết hợp biện pháp "tiền kiểm" với "hậu kiểm". Theo đó, các biện pháp "tiền kiểm" bao gồm: Quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về đối tượng được phép phổ biến phim trên không gian mạng; quy định về tiêu chí phân loại phim, kiểm soát việc thực hiện tự phân loại phim, yêu cầu cơ sở điện ảnh phổ biến phim trên không gian mạng phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về danh sách phim, mức phân loại phim trước khi phổ biến. Biện pháp "hậu kiểm" bao gồm các quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan, việc ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo, các giải pháp kỹ thuật để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và gỡ bỏ phim vi phạm, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Loại ý kiến thứ 2: Một số cơ quan và đại biểu Quốc hội đề nghị thực hiện biện pháp "tiền kiểm" đối với phim phổ biến trên không gian mạng. Theo đó, tất cả phim trước khi phổ biến trên không gian mạng phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Sau phiên thảo luận tại hội trường ngày 25/5/2022, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã phối hợp tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ cho rằng loại ý kiến thứ 1 (tiền kiểm kết hợp với hậu kiểm) là phù hợp. Căn cứ đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung, chỉnh lý và quy định các biện pháp quản lý bảo đảm tính khả thi, phù hợp với tình hình, điều kiện Việt Nam hiện nay và xu thế chung của thế giới, bảo đảm việc kiểm soát chặt chẽ nội dung phim, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm.
Liên quan đến Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh (Mục 2 Chương VI), ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, một số ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, tuy nhiên đề nghị làm rõ lý do đến nay Quỹ chưa được thành lập.
Theo báo cáo của cơ quan trình dự án Luật, Quỹ chưa thành lập được là do các nguyên nhân: Khó khăn về nguồn thu. Nguồn thu của Quỹ không được quy định trong Luật Điện ảnh và Nghị định hướng dẫn thực hiện. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý Quỹ chưa rõ là đơn vị sự nghiệp hay doanh nghiệp hay tổ chức tài chính. Trong thời gian qua, Chính phủ đã có 2 lần xem xét, cho ý kiến về thành lập Quỹ; đề nghị nghiên cứu để đưa vào trong dự thảo Luật lần này. Hồ sơ dự thảo Luật trình tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã gửi kèm dự thảo Nghị định đã khắc phục các tồn tại nêu trên, quy định rõ nguồn thu, tổ chức bộ máy của Quỹ.
Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã biểu quyết riêng về nội dung này. Với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Theo đó, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ, thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; có khả năng tài chính độc lập; có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước; có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng, do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động.